Tổ chức cũng cố gắng hết sức, tránh mô tả các trường hợp Covid-19 mới tại Hong Kong như một "làn sóng", bởi thuật ngữ này dễ gây liên tưởng dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát. Song thực tế, phối hợp ứng phó bài bản có thể khống chế được sự lây lan của nó.
Tiến sĩ Margaret Harris, người phát ngôn của WHO đã lặp lại thông điệp này trong cuộc họp ngắn ngày 28/7.
"Chúng ta vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên. Nó là một làn sóng lớn. Sẽ leo thang hoặc suy yếu một chút. Điều quan trọng nhất là ‘làm phẳng đường cong dịch tễ’, giữ nó ở mức kiểm soát được", bà nói.
Đối với đỉnh dịch vẫn đang tiếp diễn ở Mỹ trong mùa hè, bà kêu gọi người dân cảnh giác cao độ, áp dụng các biện pháp phòng chống và tránh tụ tập nơi đông người.
"Nhiều người vẫn nghĩ nó giống như cúm mùa. Chúng ta cần hiểu là loại virus này hoạt động khác hẳn. Mùa hè chỉ là một vấn đề thôi. Virus thích nghi với tất cả các loại thời tiết", bà bổ sung.
Bà cũng bày tỏ sự lo ngại về các trường hợp Covid-19 tăng nhanh giữa mùa dịch cúm thông thường tại bán cầu nam. WHO cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng này.
Đến nay, các mẫu xét nghiệm không cho thấy số ca mắc cúm gia tăng, chứng tỏ dịch cúm mùa bắt đầu muộn hơn so với bình thường.
"Nếu bạn mắc thêm một chứng bệnh hô hấp khi đã có sẵn tiền sử, áp lực lên hệ thống y tế là rất cao", bà Harris nói, đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng bệnh cúm.
Tính đến ngày 29/7, toàn thế giới có hơn 16,5 triệu ca nhiễm nCoV và khoảng 660.000 trường hợp tử vong. Hiện vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Virus có xu hướng quay trở lại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore và cả Việt Nam.
Thục Linh (Theo Reuters)