Theo Business Insider, hai website chuyên về nội dung châm biếm có trụ sở tại Australia là The Shovel và The Chaser đã đăng hai bài viết có nội dung sai sự thật về CEO Facebook. The Shovel viết rằng "Mark Zuckerberg - đã qua đời ở tuổi 36", còn bài của The Chaser có tiêu đề Zuckerberg là "kẻ lạm dụng tình dục trẻ em".
Cả hai website đều thừa nhận đây đều là thông tin không đúng sự thật và họ muốn kiểm tra khả năng chống tin giả của Facebook, cũng như "thử" tuyên bố trước đó của Zuckerberg về việc "không nên làm trọng tài sự thật" xảy ra thế nào.
Đến nay, bài viết vẫn chưa bị gỡ xuống. Trong khi đó, đại diện Facebook chưa đưa ra bình luận nào.
Trong một phát biểu gần đây, Zuckerberg "khoe" Facebook sử dụng các bộ lọc thông tin độc lập, theo thời gian thực, kết hợp đội ngũ kiểm duyệt nội dung thường xuyên. Tuy nhiên, ông cho rằng các chương trình kiểm duyệt không nên cố gắng phân tích tính đúng sai ở các bài phát biểu. Đồng thời, ông nhấn mạnh đây là vấn đề "nhạy cảm" mà các nền tảng xã hội như Facebook cần "tôn trọng".
Theo Business Insider, việc Facebook chưa gỡ bài viết của The Shovel và The Chaser nhiều khả năng đến từ cách mạng xã hội này xác định loại tin tức. Theo Tiêu chuẩn cộng đồng, mạng xã hội có thể phân loại giữa tin giả và tin châm biếm: "Có một ranh giới giữa tin giả với nội dung châm biếm hoặc ý kiến. Vì những lý do này, chúng tôi không xóa một số tin giả khỏi Facebook, thay vào đó sẽ giảm đáng kể việc lan truyền bằng cách hiển thị nó ít hơn trong News Feed", một phát ngôn của Facebook trước đây có đoạn.
Trong quá khứ, Facebook từng giữ nguyên một số câu chuyện châm biếm trên nền tảng của mình. Năm 2019, mạng xã hội này từ chối gỡ video đã qua chỉnh sửa nói về Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Theo Bloomberg, trong đoạn video, bà Pelosi phát biểu có vẻ lắp bắp như đang say rượu nhưng thực tế, video đã bị chỉnh từ clip bà nói bình thường. Facebook sau đó thông báo cho những người cố gắng chia sẻ rằng video đó là giả mạo.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, một video giả khác nói về "Zuckerberg kiểm soát dữ liệu của hàng tỷ người" lại bị xóa sau thời gian ngắn xuất hiện trên Instagram. Trong một tuyên bố, đại diện Facebook nói rằng "việc xử lý video này tương tự các thông tin sai lệch khác trên nền tảng".
Trong một cập nhật vào tháng 1, Facebook cũng đưa vào các điều khoản liên quan đến video đã bị chỉnh sửa, trong đó có deepfake.
Bảo Lâm