Twitter hôm 26/5 dán nhãn hai dòng tweet của Trump là "không có căn cứ", khi ông viết rằng bỏ phiếu bầu tổng thống qua thư sẽ dẫn đến gian lận dù không đưa ra bằng chứng. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh về mạng xã hội nhằm "bảo vệ quyền tự do ngôn luận trước một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ".
CEO Facebook có phản ứng sau đó. "Tôi nghĩ rằng Facebook có chính sách khác với Twitter về vấn đề này", Zuckerberg nói với Fox News - đài truyền hình ưa thích của Trump. "Cả hai đều chọn cách gỡ bỏ nội dung nếu vi phạm các điều khoản dịch vụ. Tuy nhiên, cách tiếp cận của chúng tôi khác biệt với những công ty công nghệ khác. Chúng tôi mạnh mẽ hơn trong việc thể hiện tự do và mang lại tiếng nói cho mọi người".
Facebook hiện áp dụng nhãn cảnh báo cho các bài đăng sai lệch, nhưng lại miễn trừ nội dung từ chính trị gia. Đây là quyết định mà một số nhà lập pháp, trong đó có ứng cử viên tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ, cho rằng sẽ giúp phát triển môi trường trực tuyến.
Không giống Twitter, Facebook còn thuê đối tác truyền thông kiểm duyệt từ bên ngoài. Điều này nhằm thể hiện quan điểm "không lập trường".
Sự chia rẽ giữa Facebook và Twitter diễn ra trong bối cảnh các mạng xã hội đang phải vật lộn chống lại thông tin sai lệch những tháng gần đây, bao gồm việc cam kết loại bỏ tất cả bài đăng không đúng sự thật về Covid-19.
Facebook mới đây cũng đã gỡ một bài đăng liên quan đến virus corona từ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi tháng 3. Mạng xã hội này cũng cấm những nội dung sai về phương pháp bỏ phiếu hoặc đăng ký cử tri, bất kể người đó đến từ đâu.
Zuckerberg cho rằng những bình luận của ông Trump như trên Twitter không bị coi là vi phạm các quy tắc. Mạng xã hội này cũng không can thiệp vào bài đăng về bỏ phiếu qua thư của Trump.
Trong khi đó, CEO Twitter Jack Dorsey nói rằng, những tuyên bố của Trump trong tweet hôm 26/5 có thể "khiến mọi người hiểu lầm" về quy trình bỏ phiếu, rằng họ không cần phải đăng ký để nhận phiếu bầu, cũng như cách làm mới khiến phiếu bầu bị giả mạo, chữ ký giả... Việc dán nhãn "Potentially Misleading" kèm biểu tượng dấu chấm than màu xanh nhạt là để cảnh báo điều này.
Trong quá khứ, Twitter cũng có lúc tìm cách phân biệt mình với Facebook khi tuyên bố cấm quảng cáo chính trị năm ngoái.
Bảo Lâm (theo Reuters)