Đại diện Twitter cho rằng nỗ lực làm suy yếu Điều 230 sẽ "đe dọa tương lai của các phát ngôn trên mạng", còn phát ngôn viên Google lo ngại sắc lệnh mới sẽ gây nguy hại tới nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, phát ngôn viên Facebook cho biết họ có hướng đi khác Twitter. Facebook vẫn gắn nhãn cảnh báo cho các bài đăng sai lệch, nhưng miễn trừ nội dung từ chính trị gia bởi mạng xã hội này cho rằng họ không nên đóng vai trò phân biệt đúng sai trong các thông tin chính trị.
Tuy vậy, từ lâu Điều 230 của Đạo luật CDA cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp. Điều 230 cho phép các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý với những nội dung mà người dùng đăng tải. Tuy nhiên, thời gian qua, các mạng xã hội cũng chịu nhiều sức ép, không chỉ ở Mỹ mà cả ở các nước khác trong việc phải kiểm soát chặt chẽ hơn những thông tin sai lệch, thất thiệt...
Trong nhiều năm, dù sự bành trướng ngày càng rộng, các nền tảng công nghệ hiếm khi bị "soi" hay bị quy chịu trách nhiệm về cách người dùng sử dụng nền tảng do mình cung cấp. Theo New York Times, như thể có một khẩu hiệu ngầm ở thung lũng Silicon rằng: Chúng tôi chỉ tạo ra công nghệ, mọi người dùng như thế nào là chuyện khác. Nhưng mọi thứ đang thay đổi và dù miễn cưỡng, các hãng công nghệ bắt đầu thừa nhận trách nhiệm về việc nền tảng của họ tác động đến thế giới như thế nào.
Sắc lệnh của Trump, nếu có hiệu lực, sẽ khiến các công ty công nghệ có thể dễ bị kiện hơn khi họ sẽ phải chịu trách nhiệm về lời nói, thông tin của hàng tỷ người trên thế giới.