"Tôi không nghĩ rằng Facebook hay các nền tảng Internet nói chung nên là trọng tài của sự thật", Zuckerberg nói với CNBC. "Các bài phát biểu chính trị là một trong những phần nhạy cảm nhất trong một nền dân chủ và mọi người sẽ tự cảm nhận những gì các chính trị gia nói".
Zuckerberg cho biết Facebook sử dụng các bộ lọc thông tin độc lập, theo thời gian thực, kết hợp đội ngũ kiểm duyệt nội dung thường xuyên. Tuy nhiên, ông cho rằng các chương trình kiểm duyệt không cố gắng phân tích tính đúng sai ở các bài phát biểu hay tuyên bố mang tính chính trị, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề "nhạy cảm" mà các nền tảng xã hội như Facebook cần "tôn trọng".
Tháng 10 năm ngoái, Facebook công bố mạng xã hội này cho phép các chính trị gia chạy quảng cáo trên mạng xã hội, ngay cả khi chúng bao gồm thông tin sai lệch. Dù vậy, mạng xã hội này từng gỡ một bài đăng liên quan đến virus corona từ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi tháng 3. "Vẫn có những giới hạn không thể vượt qua, kể cả chính trị gia. Không ai được phép sử dụng Facebook để gây ra bạo lực hoặc đăng thông tin sai lệch gây ảnh hưởng", Zuckerberg khẳng định.
Zuckerberg hiện giữ quan điểm trung lập, thậm chí cố gắng phân biệt Facebook với Twitter sau khi mạng xã hội này dán nhãn hai dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "không có căn cứ". Hành động của Twitter được cho là một trong những nguồn cơn khiến người đứng đầu Nhà Trắng ký sắc lệnh về mạng xã hội, nhằm "bảo vệ quyền tự do ngôn luận trước một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Trump nhiều "bực mình" với các mạng xã hội. Tháng 7/2019, Trump chỉ trích Facebook, Google và Twitter "quá thiên vị" và "bịt miệng" những người ủng hộ ông. Nhà Trắng đang cân nhắc thành lập một hội đồng để xem xét các khiếu nại về khuynh hướng chống quan điểm bảo thủ trên mạng xã hội.
Tuy vậy, theo USA Today, Trump không thể đơn phương chỉnh đốn hoặc đóng cửa các mạng xã hội. Bởi việc này đòi hỏi phải có hành động của quốc hội hoặc Ủy ban Truyền thông Liên bang.
Bảo Lâm