Ngày 13/5, tại tọa đàm về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phân tích một chuyến xe từ phía Nam ra Lạng Sơn tiền phí mất hơn 10 triệu đồng, doanh nghiệp 100 xe thì tiền phí lên tới một tỷ đồng. Phí đường bộ chiếm 10-12% doanh thu vận tải.
Theo quy định, chủ xe phải trả phí làn không dừng qua tài khoản giao thông của xe nên doanh nghiệp thường phải trả cả tỷ đồng vào tài khoản trước khi xe chạy, gây đọng vốn. Ông Quyền cho rằng đơn vị thu phí cần có hình thức trả sau như tài khoản điện thoại di động. Đến cuối tháng, đơn vị thu phí thông báo và doanh nghiệp trả tiền.
"Nếu chỉ dùng một phương thức trả trước như hiện nay thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng khiến họ không mặn mà dùng làn không dừng. 800.000 doanh nghiệp vận tải đã gắn thẻ không dừng song không nhiều đơn vị sử dụng", ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, phản ánh cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình chưa triển khai thu phí không dừng trong khi đường này hay ùn tắc. Việc lắp đặt thiếu đồng bộ trên nhiều tuyến đường khiến lái xe không mặn mà dán thẻ không dừng. Ngoài ra, khi dán thẻ, chủ xe được cấp tài khoản giao thông thì việc chuyển tiền vào mất phí, hàng tháng bị trừ tiền dù không sử dụng cũng tạo tâm lý không tốt cho người dân.
Ông Hùng cũng lo ngại việc thẻ E-Tag dán trên kính xe sẽ bị hỏng khi trời mưa nắng hoặc rửa xe, khiến chủ xe phải dán lại với chi phí 120.000 đồng.
Cùng quan điểm, ông Võ Thanh Bình, đại diện Cục Đăng kiểm, nói hiện chưa có chế tài bắt buộc nên chủ xe không mặn mà dán thẻ E-Tag. Nhiều người đến đăng kiểm song không dán thẻ dù được miễn phí dán lần đầu. Ông đề nghị xe qua làn không dừng thì tiền phí trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của chủ xe, không nên có tài khoản giao thông.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng 4 năm qua, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC, cho biết hiện nay đơn vị đã dán thẻ E-Tag trên 830.000 trong số 3,5 triệu ôtô của cả nước. Để đồng bộ mạng lưới và giảm nguy cơ ùn tắc ở cửa ngõ thành phố lớn, tuyến Pháp Vân - Ninh Bình sẽ được lắp đặt thu phí không dừng trong tháng 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 6.
Ông Vinh cũng khẳng định thẻ dán trên kính xe không bị hư hỏng do nắng mưa, không thể bong khi trời nắng và tuổi thọ khoảng 10 năm. Việc trừ tiền thẳng từ tài khoản ngân hàng khó triển khai do ngân hàng không cho phép doanh nghiệp thu phí truy cập vào tài khoản của khách hàng. Đơn vị thu phí đang liên kết với ngân hàng để có chính sách giảm phí chuyển tiền.
Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn Viettel), cho biết đơn vị đã nghiên cứu hai hệ thống trả trước và trả sau tại tài khoản giao thông. Doanh nghiệp vận tải lớn, có uy tín sẽ được chấp thuận trả sau, tuy nhiên quy định hiện hành cần bổ sung chế tài phạt chủ xe chậm trả, gây nợ xấu cho đơn vị thu phí.
Ông Tâm khẳng định, trong năm 2020 đơn vị này sẽ phấn đấu hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng tại 33 trạm thu phí giai đoạn 2 để đồng bộ trên toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Vấn đề là 26 nhà đầu tư cần nhanh chóng bàn giao hạ tầng để triển khai kết nối với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động, ôtô sẽ được gắn thẻ E-Tag định danh trên kính hoặc đèn xe. Khi xe đi vào làn không dừng, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí BOT sẽ trừ tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản này bằng tiền mặt, Internet banking... Việc này giúp giảm ùn tắc tại trạm thu phí và tăng tính minh bạch.
Dự án thu phí không dừng giai đoạn một (BOO1) do Công ty VETC đầu tư, cần lắp đặt làn không dừng tại 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án giai đoạn 2 (BOO2) gồm 33 trạm còn lại trên toàn quốc.
Dự án được triển khai từ năm 2015, Chính phủ yêu cầu hoàn thành vào cuối năm 2019. Tuy nhiên đến nay các dự án vẫn dở dang, được gia hạn đến hết 2020.
Nhiều nguyên nhân khách quan khiến dự án chậm triển khai như hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh; quá trình đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng phát sinh nhiều vướng mắc; quy trình chọn nhà đầu tư dự án thu phí phức tạp. Nguyên nhân chủ quan là các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án cũng thiếu kinh nghiệm, làm ảnh hưởng tiến độ.