Tôi là tác giả bài viết "Bài toán ra phố hay về quê". Gần đây, tôi đọc được khá nhiều chia sẻ của những người về quê nhưng thất bại, thiếu tiền hoặc cảm thấy hối hận với quyết định đó... Tôi từng chia sẻ về cách quan sát lựa chọn của mình để có quyết định cho phù hợp, nhưng ngay cả khi quyết định phù hợp rồi thì kết quả vẫn không thể chắc chắn thành công. Bởi lúc này còn phụ thuộc vào cách bạn thực hành, triển khai sự lựa chọn về quê lập nghiệp của mình.
Nhiều bạn thần tượng Lý Tử Thất, lấy cô làm hình tượng bỏ phố về quê thành công. Nhưng hãy nhớ rằng, Lý Tử Thất về quê không phải để làm nông mà là làm ngôi sao mạng xã hội, ngôi sao giải trí... Và cô không từ bỏ những khách hàng tiềm năng ở thành phố thông qua việc lôi kéo, thu hút của bản thân để xây dựng một hệ thị trường lớn cho hệ thống sản xuất ở quê mà cô ấy gây dựng sau này. Có thể nói, Lý Tử Thất chính là sợi dây kết nối mạch sản xuất ở quê vào thị trường thành phố.
Tôi chia sẻ thêm về những khác biệt giữa thành phố và nông thôn, hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng quát về môi trường hai nơi để tự quyết định.
Môi trường khác biệt giữa thành phố và nông thôn
- Tư liệu sản xuất (nguồn lực đầu vào của sản xuất) như công cụ lao động, thị trường, vốn, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng...: Ở thành phố gần như các nguồn lực này đã được sắp xếp, tổ chức ở trình độ cao, nguồn cung dồi dào... nhưng phần đông chúng ta sẽ chẳng có quyền sở hữu mà chúng đều tập trung trong tay các chủ doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh giàu có. Ở nông thôn, gần như các nguồn lực có sản xuất chưa được sắp xếp hoặc sắp xếp đơn giản, tổ chức ở trình độ thấp, có ít nguồn cung cấp, khó khăn trong tái tổ chức, phân bổ, điều động...
Khá dồi dào và rẻ nếu xét trên phương diện đất đai, nhân công giá rẻ... nhưng sẽ khó khăn về thị trường tiêu thụ, khâu vận chuyển. Đặc biệt, nếu so về cơ sở hạ tầng cơ bản như "điện, đường, trường, trạm" thì ở quê không thể nào bằng thành phố được. Do đó, để về quê tái tổ chức lại tư liệu sản xuất, bạn sẽ cần rất nhiều vốn, thời gian, công sức, thậm chí phải mất nhiều thế hệ. Thông thường, các doanh nghiệp lớn sẽ có tiềm lực về vốn khổng lồ mới có được các dự án tái đầu tư, quy hoạch lại các vùng nông thôn. Các cá nhân nếu muốn tái đầu tư vào khu vực này thường phải có một lượng vốn nhất định, có thể do bản thân họ tự kiếm hoặc là do tổ tiên họ tích lũy lại lâu đời qua nhiều thế hệ hoặc vay mượn các tổ chức tín dụng với một kế hoạch khả thi và rủi ro lớn.
Phương thức sản xuất (trình độ vận hành, khai thác tư liệu sản xuất) như phương thức kinh doanh, sản xuất, trình độ lao động...: Đa số phương thức sản xuất ở thành phố hiện nay được tổ chức theo mô hình "chủ lao động và người làm thuê". Dù bạn có thể phân loại như thế nào thì cũng không thể thoát khỏi mối quan hệ này trừ khi bạn chính là ông chủ, nhà đầu tư. Do đó, ở đây bạn phải hoàn toàn có thái độ "của một người làm thuê" thực sự chuyên nghiệp chứ không thể thái độ của một "ông chủ" khi bạn ở vị trí của một người làm thuê. Và hãy chuẩn bị tinh thần bị đuổi việc bất cứ khi nào vì bất kỳ lý do nào dù có một số điều của Luật Lao động ràng buộc.
Đa số phương thức sản xuất ở đây đã được tự động hóa cao độ. Ở khu vực nông thôn, phương thức sản xuất tổ chức khá đa dạng, theo nhiều trình độ, nhưng đa số thường rất thấp. Hình thức dễ thấy là lao động theo kiểu "tự cung tự cấp" hoặc tự tham gia vào hệ thống sản xuất của mình. Cũng không nhất thiết phải là dạng quan hệ "người sử dụng lao động và làm thuê" nữa mà nhiều lúc là quan hệ nhờ vả, đổi công, cũng không có nhiều ràng buộc được quy định rõ ràng như trong luật lao động.
Đặc biệt, trong mối quan hệ này, bạn không thể thể hiện thái độ làm chủ, trịch thượng mà cũng có khi rất lằng nhằng dây dưa khi nhờ một ít công nhưng họ đòi lại quá nhiều do đó phải biết nói không khi cần thiết nhưng phải tế nhị, khéo léo để không mất lòng. Đa số phương thức sản xuất ở đây là lao động chân tay, cơ bắp hoặc cơ giới hóa nhưng vẫn vất vả hơn thành phố.
Những trách nhiệm khi dấn thân về quê
Ở thành phố, do được chuyên nghiệp hóa, bạn chỉ cần lo tập trung vào một loại công việc, một khả năng cụ thể là có thu nhập ổn định. Nhưng ở nông thôn, bạn phải đảm nhiệm nhiều vai trò đặc biệt là từ vị thế làm thuê sang vị thế ông chủ (nếu có ý định tự đầu tư). Các vị trí công việc bạn cần phải đảm nhiệm không lương như quy hoạch đường sá, cầu cống, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất của mình; tìm giải pháp thay thế khi các điều kiện về cơ sở vật chất, nền tảng thiếu thốn, khó khăn; tự kinh doanh vì không phải cứ làm ra sản phẩm là bán được mà phải tự tìm thị trường, tự tiếp thị, tự bán hàng...; tổ chức sự kiện, quản trị nhân sự, rủi ro, ngoại giao, huy động vốn...
Do đó, ở quê thường chỉ phù hợp với các bạn năng động, đa nhiệm, tham vọng lớn... Và đa số những người ở quê là thường vì hoàn cảnh buộc phải ở quê mà ít khi có sự lựa chọn. Tức là gần như bạn phải là một "kiến trúc sư xây dựng hệ thống" chứ không đơn giản là "công nhân đứng máy" như công việc làm thuê ở thành phố. Thành quả của bạn sẽ phụ thuộc vào quy mô cũng như tính hiệu quả của hệ thống bạn xây dựng.
>> Bỏ phố về quê - sướng ít, khổ nhiều
Những cơ hội và thách thức, được và mất khi về quê
Khi bạn không có những gì cần thiết để thành công ở phố thì về quê lại là một cơ hội khác, có thể thay đổi cuộc đời của bạn và nhiều người khác. Khi bạn quá năng động, muốn làm nhiều việc, có nhiều ý tưởng ở vị thế của một kiến trúc sư hệ thống thì việc về quê sẽ cho bạn cơ hội thoát khỏi môi trường đơn điệu, chán trường.
Tỷ lệ thành công khi tái đầu tư về quê cao hơn tỷ lệ ở lại thành phố khi bạn có nhiều lợi thế, ví dụ chênh lệch giá trị tiền tệ giữa nông thôn và thành phố. Ở quê cũng có thể là "sân sau" của bạn khi bạn mang những thứ học hỏi được ở thành phố về đây áp dụng, do các đối thủ cạnh tranh không có trình độ hoặc yếu kém hơn so với bạn. Khi bạn không có ý tưởng gì ở thành phố thì về quê cũng là một cách thể hiện việc bạn đi tắt đón đầu và nhìn ra cơ hội, thách thức mới.
Tuệ
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.