Thời gian gần đây, trào lưu trồng trọt, chăn nuôi trên sân thượng ngày một nở rộ tại các thành phố lớn. Xuất phát từ việc trồng rau sạch, người mở rộng khuôn viên, kết hợp thêm chăn nuôi gia cầm, gia súc (từ gà đến lợn...). Thoạt nghe, đây có vẻ là một mô hình vô cùng tiện ích khi chúng ta có thể tự cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, nhất là trong thời buổi thực phẩm bẩn khó lường, hơn nữa lại góp phần giảm chi phí sinh hoạt cho người thành thị.
Tuy nhiên, đó là nhìn theo góc độ của người nuôi trồng trên sân thượng, còn những người hàng xóm của họ thì sao? Bản thân tôi cũng là một người sinh sống ở thành phố, có hàng xóm cạnh nhà trồng rau, nuôi gà trên sân thượng, nên hiểu rất rõ cảm giác này. Hơn 50 năm sống ở thành phố, tôi không ngờ mình phải sống cạnh chuồng gà, khủng hoảng vì mùi chất thải gia cầm từ sân thượng nhà hàng xóm.
Ban đầu, hàng xóm nhà tôi chỉ mua vài thùng xốp, trồng dăm ba loại rau thơm, xà lách giống như tiểu cảnh. Thế rồi, theo thời gian, người này ngày càng tăng về cả số lượng và chủng loại. Không chỉ rau, giờ hàng xóm tôi còn trồng cả cây ăn quả, bắc giàn trồng mướp, bí, thậm chí mới đây còn dựng cả chuồng trại để nuôi gà. Khi hàng xóm trồng cây trái, chúng tôi chỉ bị ảnh hưởng nhẹ mỗi khi cây rụng lá và gió cuốn sang nhà tôi. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ góp ý nhẹ nhàng và vẫn thường xuyên tự dọn lá.
Thế rồi, mọi chuyện bắt đầu tồi tệ hơn khi người này chăn nuôi gà. Cũng kể từ ngày đó, nhà tôi lãnh đủ hậu quả, đó là thứ mùi chất thải, chuồng trại hôi hám bốc sang mỗi khi trời nắng. Khi trời mưa, tình trạng còn tệ hai hơn khi phân gà bị nước mưa cuốn sang phía nhà tôi (do nhà thành phố xây sát tường nhau). Gia đình tôi dường như sống trong đau khổ khi mỗi ngày phải chịu đựng bầu không khí ô nhiễm, hôi thối, bẩn thỉu.
Thời nay, đây đã trở thành trào lưu được nhà nhà chạy theo. Tôi từng chứng kiến có người thuê cả xe đất để lên sân thượng để trồng cây, có nhà lại đào ao nuôi cá, thậm chí dựng cả chuồng nuôi lợn trên nóc nhà. Cuộc đua trở thành "nông dân sân thượng" cứ thể ngày một tăng cấp. Lối sống "tự cung, tự cấp" trở thành một thứ mốt thời thượng của các gia đình thành phố.
>> Chó cưng phóng uế ở chung cư cao cấp
Tôi hiểu và tôn trọng việc các gia đình tự nuôi trồng để lấy nguồn thực phẩm an toàn. Ai chẳng muốn ăn sạch, uống sạch. Ai chẳng muốn bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, muốn tiết kiệm. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bất chấp cả việc xâm phạm đến lợi ích, sức khỏe của người khác. Mùi hôi thối từ chuồng trại trên sân thượng không chỉ giết chết bầu không khí vốn đang ô nhiễm nặng nề ở các thành phố lớn, mà còn góp phần làm phát sinh những ổ dịch bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm khó lường.
Chăn nuôi và trồng trọt không phải chuyện đơn giản. Ngay cả những hộ chăn nuôi theo mô hình VAC tại các vùng nông thôn cũng phải xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn, có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu, chứ không phải muốn làm thế nào cũng được. Thế nhưng, những hộ gia đình tự ý nuôi trồng trên sân thượng lại không bị ai quản lý. Chính quyền địa phương thường rất khó kiểm soát và đánh giá chất lượng chuồng trại của người dân thành phố. Trừ khi có khiếu nại của hàng xóm xung quanh, may ra mới có cán bộ xuống kiểm tra, dù vậy việc xử lý cũng rất đại khái do chưa có quy định cụ thể cho hành vi này.
Vậy là, người thành phố vẫn mặc sức nuôi trồng trên sân thượng với lý do "đất nhà tôi, làm gì cũng được". Trong khi đó, rất nhiều người khác trở thành nạn nhân, hứng chịu cảm giác bức xúc, khó chịu khi sống cạnh chuồng gà, chuồng lợn giữa phố. Ở nông thôn, các nhà cách xa nhau, chuyện đó chẳng nói làm gì. Nhưng ở đây là thành phố văn minh, phát triển, nhà san sát nhau, khi người ta nuôi trồng tự phát, thiếu kiến thức và cơ sở vật chất để làm hệ thống xử lý chất thải, hàng xóm sẽ là người phải gánh chịu hết hậu quả. Vậy có công bằng không?
Tôi không phản đối chuyện người ta đua nhau nuôi trồng trên sân thượng, nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải cân nhắc và tính toán giải pháp sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên. Đừng vì ích kỷ cá nhân mà bất chấp quyền lợi, an toàn, sức khỏe của hàng xóm. Bạn thích làm "nông dân sân thượng", điều đó không ai cấm, nhưng đừng bắt người khác phải chịu "tai bay vạ gió". Tôi mong sớm có những quy định, chế tài cụ thể cho hành động này để giải cứu những người thành phố sống không bằng nông thôn như chúng tôi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.