Thông tin trên được quan chức an ninh Lebanon dẫn báo cáo từ các chuyên gia Pháp đang đánh giá khu vực thảm họa. Hố này lớn hơn nhiều so với hố trong vụ nổ giết chết cựu thủ tướng Rafic Hariri năm 2005. Miệng hố khi đó rộng 10 mét và sâu 2 mét, theo một tòa án quốc tế điều tra vụ sát hại ông Hariri.
Các đội cứu hộ và cảnh sát của Pháp thuộc nhóm chuyên gia ứng phó khẩn cấp quốc tế đã đến Lebanon để giảm bớt áp lực lên chính quyền địa phương trong công tác cứu trợ thảm họa. Lực lượng cứu hộ Qatar, Nga và Đức cũng đang làm việc tại hiện trường.
Trước đó, ảnh vệ tinh do Planet Labs, công ty tư nhân có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, chụp lại sau khi 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 cho thấy gần như mọi toà nhà tại khu vực xảy ra vụ nổ bị san phẳng hoàn toàn hoặc hư hại nặng nề. Một hố lớn ngập nước xuất hiện ở vị trí của hai toà nhà trước đó tại bến cảng.
CNN đã sử dụng phần mềm không gian địa lý để đo kích thước của miệng hố và xác định nó có đường kính 124 mét. Với sai số là cộng/trừ 10 mét, miệng hố này lớn hơn cả chiều dài của một sân bóng đá.
Giận dữ và tuyệt vọng đang bao trùm Beirut sau thảm họa khiến ít nhất 158 người chết, 6.000 người bị thương, 21 người vẫn mất tích và thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD. Người dân cáo buộc chính quyền đã quản lý yếu kém và lơ là trách nhiệm khi để kho amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua.
16 người liên quan tới cảng Beirut, gồm tổng giám đốc cảng vụ, đã bị bắt. Tuy nhiên, ít người Lebanon tin tưởng vào hứa hẹn của chính quyền. Một số dựng giá treo cổ giả ở quảng trường như lời cảnh báo với các lãnh đạo Lebanon.
Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình, đốt các tài liệu, gỡ chân dung của Tổng thống Michel Aoun khỏi tường và ném nó xuống đất. Họ cũng tuyên bố trụ sở Bộ Ngoại giao giờ là "cơ quan đầu não của cách mạng", treo cờ có hình nắm đấm đã trở thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc. Họ bị quân đội giải tán khỏi toà nhà vài giờ sau đó.
Huyền Lê (Theo AFP)