Nhưng 2.750 tấn amoni nitrat trong lô hàng vô thừa nhận năm xưa đã phát nổ hôm 4/8, tạo ra một làn sóng chấn động khắp thủ đô Lebanon, phá hủy hàng loạt nhà dân và cả những công trình mang tính biểu tượng, khiến ít nhất 135 người chết và 5.000 người bị thương. Hàng trăm nghìn người dân rơi vào cảnh mất nhà cửa.
Chính quyền cam kết sẽ điều tra đến cùng sự việc và buộc những người đứng sau thảm kịch phải chịu trách nhiệm. Nhưng khi người dân bước qua những đống đổ nát như thời chiến ở Beirut ngày 5/8, chứng kiến nhà cửa, cơ sở kinh doanh của mình chỉ còn lại đống tro tàn, không ít người coi vụ nổ chính là đỉnh điểm đổ vỡ của nhiều năm ròng rã đất nước nằm dưới sự quản lý yếu kém, tồi tệ.
Nada Chemali, một chủ doanh nghiệp đang vô cùng giận dữ, kêu gọi người dân Lebanon đứng lên chống lại các lãnh đạo chính trị, những "tai to mặt lớn" mà bà cáo buộc đã hủy hoại đất nước. "Hãy cút về nhà đi!", Chemali hét lên.
Cửa hàng đồ gia dụng và nhà riêng của Chemali đã bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ và bà nhiều khả năng sẽ không nhận được một đồng viện trợ nào từ chính phủ để sửa chữa chúng.
"Ai trong những người 'tai to mặt lớn' kia sẽ giúp chúng tôi", bà nói. "Ai sẽ bồi thường cho chúng tôi".
Thống đốc Beirut Marwan Aboud cho biết vụ nổ đã tàn phá hơn nửa thành phố, thiệt hại có thể lên tới 5 tỷ USD. Các nhân viên cứu hộ đang phải chật vật chữa trị cho hàng nghìn người bị thương với nguồn lực ít ỏi. Một số bệnh viện không thể được huy động vì đã quá cũ kỹ, tồi tàn. "Chúng tôi cần rất nhiều nguồn lực để điều trị cho các nạn nhân, nhưng chúng tôi lại thiếu hụt trầm trọng mọi thứ", Bộ trưởng Y tế Hamad Hassan cho hay.
Tất cả các khu dân cư ở Beirut đều nằm trong vùng ảnh hưởng của vụ nổ. Thiệt hại lớn nhất được ghi nhận tại khu vực dọc bến cảng và những khu dân cư gần cảng. Sóng xung kích từ vụ nổ thậm chí còn làm vỡ cửa sổ của cả những ngôi nhà trên đồi, cách xa bến cảng.
Gemmayzeh, khu phố nổi tiếng với những tòa nhà lịch sử, nhà thờ cổ kính và cuộc sống về đêm náo nhiệt, giờ đây trông không khác gì bãi chiến trường. Những chiếc ôtô vỡ kính nằm ngổn ngang bên lề đường. Cây gãy đổ ra đường, chắn hết lối đi. Ở tất cả các góc, người dân đều đang bận rộn dọn dẹp gạch vụn, kính vỡ và lau máu tại cửa hàng, nhà và ban công của mình.
Giữa một đất nước đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, sau thảm kịch, người dân thực sự không biết phải làm thế nào để xây dựng lại cuộc sống.
Roger Matar, 42 tuổi, cho biết cửa ra vào và cửa sổ của căn hộ gia đình ông ở bị thổi bay, khung cửa sổ và những mảnh kính vỡ rơi đầy sàn nhà và ghế bành. Ông nghe thấy một tiếng nổ lớn rồi "đột nhiên mọi thứ rung chuyển, tất cả cửa ra vào và cửa sổ biến mất".
Vì khủng hoảng tài chính, các ngân hàng ở Lebanon đã giới hạn số tiền được rút ra nhằm ngăn người dân tháo chạy khỏi đất nước.
"Ngân hàng đang giữ tiền của chúng tôi. Muốn thuê công nhân sửa chữa, bạn phải có tiền mặt", Matar nói. "Đáng nhẽ chính phủ phải giúp đỡ chúng tôi. Nhưng họ cũng đang kiệt quệ. Đất nước đang sụp đổ".
Sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1990, Lebanon đặt mục tiêu xây dựng lại đất nước trở thành một trung tâm văn hóa, tài chính ở Trung Đông với những chủ ngân hàng lành nghề, các chuyên gia song ngữ và những câu lạc bộ khiêu vũ ban đêm mở cửa đến tận sáng.
Tuy nhiên, Lebanon lại liên tục chìm trong khủng hoảng. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng sau cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. Tình hình chính trị cũng vô cùng ảm đạm. Tháng 10 năm ngoái, người dân ở ít nhất 70 thành phố trên khắp đất nước biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính phủ, năng lực quản lý yếu kém của giới lãnh đạo, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, như tình trạng nước máy không đảm bảo hay thường xuyên mất điện.
Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp. Hồi tháng 3, lần đầu tiên trong lịch sử, Lebanon tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ chính phủ của Lebanon hiện là 92 tỷ USD, bằng gần 170% GDP và là một trong số mức nợ cao nhất thế giới.
Rất ít người dân Lebanon có niềm tin rằng chính phủ sẽ giúp họ vượt qua khó khăn hay giới chức sẽ đi đến cùng trong cuộc điều tra vụ nổ.
Bên cạnh đó, chi tiết mới xuất hiện về cách mà lượng lớn amoni nitrat được lưu trữ tại cảng Beirut trong thời gian dài mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ, kiểm soát nào lại càng cho thấy năng lực quản lý yếu kém của chính phủ Lebanon.
Con tàu chở hóa chất đang trên đường tới Mozambique thì bị chặn lại và đưa tới cảng Beirut. Một tòa án Lebanon ra lệnh giữ con tàu, vậy nên lượng amoni nitrat được chuyển tới nhà chứa tại cảng.
Trong 6 năm sau đó kể từ thời điểm bị thu giữ năm 2013, các quan chức cảng đã liên tục yêu cầu thẩm phán tìm cách xử lý số hóa chất này.
Trong một bức thư gửi năm 2016, họ nhấn mạnh "việc lưu trữ lượng hóa chất lớn tại kho ở điều kiện khí hậu không phù hợp tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng" và yêu cầu giới chức có biện pháp xử lý "nhằm bảo đảm an toàn cho bến cảng và các công nhân làm việc tại đây".
Giám đốc Hassan Koraytem cho hay các quan chức cảng đã nhận về câu trả lời rằng số hóa chất trên sẽ được đem bán đấu giá nhưng buổi bán đấu giá không bao giờ diễn ra và cơ quan tư pháp thường xuyên phớt lờ thư từ cảng.
Theo Koraytem, ông không nhận thức rõ mức độ tàn phá của số hóa chất lưu tại kho nên cảng đã không có bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào để bảo vệ chúng.
"Giờ thì chúng ta phải đối mặt với một thảm kịch quốc gia", ông nói. "Sẽ không còn cảng nào cả".
Tại bệnh viện Rosary gần cảng, vụ nổ đã thổi bay bệnh nhân khỏi giường, giết chết một y tá, khiến một y tá khác làm tại phòng điều hành bị gãy chân, bác sĩ Joseph Elias, trưởng khoa tim mạch, cho hay. Ông ước tính thiệt hại có thể lên đến 5 triệu USD.
"Tất cả thang máy đều bị hỏng, tất cả máy thở, máy monitor, cửa đều bị phá hủy", ông nói. "Chỉ còn lại những bức tường mà thôi".
Giống như người dân, bệnh viện Rosary cũng không hy vọng nhận được giúp đỡ từ chính quyền.
"Chúng tôi không mong được hỗ trợ gì bởi làm gì có chính quyền nào", Tony Toufic, kỹ sư tại bệnh viện, bức xúc chia sẻ.
Trung tâm Y tế Đại học Y Saint George, cơ sở đã hoạt động hơn một thế kỷ, trải qua cả cuộc nội chiến, cũng phải đóng cửa. 4 y tá và ít nhất 13 bệnh nhân tại viện đã thiệt mạng, bác sĩ Alexandre Nehme cho biết. Những người khác đều đã phải sơ tán. Điện bị cắt, trong khi các bệnh nhân mới bị thương sau vụ nổ vẫn tìm đến với hy vọng được chữa trị.
"Tình hình tồi tệ như vụ khủng bố 11/9", bác sĩ Raja Ashou, trưởng khoa X-quang, mô tả. "Với chúng tôi, nó đúng là như thế".
Với nhiều người, cơn thịnh nộ của họ càng trào dâng bởi thảm kịch vừa xảy ra không phải do bất kỳ thế lực thù địch nào mà xuất phát từ chính sự tắc trách, lơ là của chính quyền.
Theo giới quan sát, những vấn đề tồn tại lâu nay ở Lebanon sẽ cản trở khả năng phục hồi của đất nước. Ngay cả những người có khả năng tài chính cũng sẽ gặp khó khăn khi xây dựng lại nhà cửa, doanh nghiệp nếu họ không thể rút tiền khỏi ngân hàng.
"Bạn thấy đấy, cửa hàng của tôi chẳng còn lại gì nhiều", Iman Hashem nói, đứng giữa những mảnh kính vỡ trong một cửa hàng cà phê mang tên cô.
Hashem không thể gia hạn bảo hiểm vì ngân hàng ngăn cô chuyển tiền và công việc kinh doanh gần như đóng băng khi nền kinh tế chao đảo. Vụ nổ giống như đòn giáng kết liễu nhằm vào cô.
"Giờ mọi thứ đã mất. Tiền cũng bị đánh cắp. Tôi phải bắt đầu lại từ đâu?", Hashem tuyệt vọng đặt dấu hỏi.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)