"Nếu biết sẽ ra nông nỗi này, tôi đã không đặt chân lên con tàu đó", Prokoshev, thuyền trưởng tàu Rhosus năm 2013, cho biết từ thành phố Sochi, Nga. "Nhưng lúc đó tôi không biết".
Prokoshev nhận lời làm thuyền trưởng tàu Rhosus chở 2.750 bao tải, mỗi bao chứa một tấn amoni nitrat, rời cảng Batumi của Gruzia vào tháng 9/2013 để tới Mozambique.
Số amoni nitrat này được xuất đi từ nhà sản xuất phân bón Azot tại thành phố Rustavi ở Gruzia để giao tới Fabrica de Explosivos, một công ty sản xuất chất nổ ở Mozambique. Đại diện cấp cao của Fabrica de Explosivos không trả lời yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, khi đi qua Địa Trung Hải, chủ tàu là doanh nhân người Nga Igor Grechushkin yêu cầu Prokoshev ghé cảng Beirut để chở thêm hàng đến cảng Aqaba ở Jordan, trước khi tiếp tục hành trình tới châu Phi để giao amoni nitrat cho một nhà máy sản xuất thuốc nổ tại Mozambique.
Nhưng con tàu đã không thể rời khỏi Beirut, sau khi số máy móc hạng nặng tại cảng này không phù hợp với con tàu đã cũ. Tàu Rhosus và thủy thủ đoàn sau đó bị vướng vào cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài về phí cập cảng cùng những khoản phí dịch vụ khác, khiến Prokoshev và ba thủy thủ mắc kẹt trên tàu gần 11 tháng.
Sau nhiều tháng mắc kẹt trên tàu, Prokoshev cùng các thủy thủ được giới chức Lebanon cho hồi hương vào tháng 8/2014. Vì tàu không còn thủy thủ, giới chức Lebanon phải gánh trách nhiệm dỡ toàn bộ số amoni nitrat trên tàu lên cảng để cất trữ tại nhà kho 12 nhằm đảm bảo an toàn.
Số amoni nitrat trong kho 12 phát nổ chiều 4/8, gây ra vụ nổ kinh hoàng giết chết 145 người, làm bị thương 5.000 người, san phẳng các tòa chung cư, khiến hơn 250.000 người mất nhà cửa.
Một nguồn tin an ninh cho hay cảnh sát Cyprus đã thẩm vấn Grechushkin tại nhà ông ta trên hòn đảo hôm 6/8. Phát ngôn viên cảnh sát Cyprus cho biết một cá nhân không được nêu tên đã bị thẩm vấn theo yêu cầu của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại Beirut về mối quan hệ với số hàng trên.
Levan Burdiladze, giám đốc nhà máy Azot tại Rustavi, cho biết công ty của ông chỉ vận hành nhà máy hóa chất từ ba năm trước và vì vậy, không thể xác nhận số amoni nitrat này có được sản xuất tại đây không.
Ông cho rằng quyết định lưu kho số hóa chất này ở cảng Beirut là "vi phạm các biện pháp lưu kho an toàn, bởi amoni nitrat sẽ mất đi các đặc tính hữu ích của nó trong 6 tháng".
Qua điều tra sơ bộ, các nhà chức trách Lebanon chỉ ra nguyên nhân vụ nổ do sơ suất trong xử lý hóa chất nguy hiểm. Nội các Lebanon hôm 5/8 đồng ý quản thúc tại gia các quan chức của cảng vụ Beirut, những người chịu trách nhiệm giám sát nhà kho và đảm bảo an ninh cho cảng từ năm 2014.
Người đứng đầu cảng vụ Beirut và hải quan giải thích đã gửi nhiều công văn tới cơ quan tư pháp, đề nghị xử lý số hóa chất, nhưng không được hồi đáp. Bộ Tư pháp Lebanon chưa bình luận và đang đóng cửa ba ngày vì quốc tang.
Sau khi hàng hóa được bốc lên cảng, tàu Rhosus bị bỏ rơi và chìm ở cảng Beirut, theo email của một luật sư gửi cho Prokoshev vào tháng 5/2018, trong đó viết nó "vừa bị đánh chìm".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)