Trong năm tháng đầu tiên tại nhiệm, ưu tiên lớn nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tây Bán cầu là kiềm chế dòng người di cư, vấn đề gây lo ngại sâu sắc trong bối cảnh chia rẽ chính trị sâu sắc ở nước Mỹ.
Hồi tháng 4, số vụ vượt biên hàng tháng đã chạm mức cao nhất trong vòng 20 năm và lực lượng biên phòng đã bắt gần 174.000 người nhập cư trái phép. Con số này được cho là sẽ tăng lên hơn một triệu trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2006. Đây được cho là lý do thúc đẩy các chuyến thăm biên giới của các quan chức cấp cao Mỹ, cũng như những phương hướng chính sách mới.
Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch trị giá 4 tỷ USD nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư gia tăng bất thường tại Trung Mỹ trong 4 năm tới, dù chưa nêu chi tiết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước tới Costa Rica để thảo luận với những người đồng cấp tại khu vực, tập trung vào các lý do sâu xa của vấn đề di cư, bao gồm thách thức về kinh tế. "Có lẽ ai cũng muốn ở lại và xây dựng cộng đồng của riêng họ", quan chức Mỹ phát biểu tại thủ đô San Jose, Costa Rica.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã công du đến khu vực này để truyền tải thông điệp ngăn chặn những người có khả năng lên đường vượt biên vào Mỹ, đồng thời cam kết Washington sẽ đầu tư kinh tế và tìm kiếm những sáng kiến khác.
Theo bình luận viên Jessica Donati và Courtney McBride của WSJ, những động lực thúc đẩy người dân Mỹ Latinh tìm đường đến "miền đất hứa" Mỹ ngày càng nhiều, bao gồm tình trạng bạo lực băng đảng dai dẳng ở quê nhà, hai trận bão dữ dội năm ngoái và hạn hán không ngừng. Nền kinh tế tê liệt vì đại dịch Covid-19 khiến khát vọng này thêm mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư trái phép của giới chức Mỹ được đánh giá còn gặp phải một vấn đề cốt lõi nghiêm trọng, là nạn tham nhũng và cách điều hành đất nước yếu kém của một số chính phủ tại Mỹ Latinh.
Mỹ từng nhiều lần áp lệnh trừng phạt với các quan chức tại Tam giác Bắc Trung Mỹ, bao gồm Guatemala, Honduras và El Salvador, vì liên quan đến hành vi tham nhũng hoặc cản trở dân chủ. Một số biện pháp gây tổn hại quan hệ song phương, nhưng lại tác động ít ỏi đến tình hình ở các quốc gia có số lượng người di cư đông đúc này.
Tại Honduras, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực, em trai Tổng thống Juan Orlando Hernandez bị kết tội buôn bán hơn 200 tấn cocaine, trong một phiên tòa hé lộ mối liên hệ sâu sắc giữa các băng đảng ma túy và giới chức cấp cao. Các công tố viên cáo buộc chính Tổng thống Hernandez đã điều cảnh sát và binh sĩ bảo vệ các lô hàng ma túy, nhưng Hernandez bác bỏ và nói rằng Honduras là nạn nhân của việc tội phạm ma túy.
Tại El Salvador, Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy Nayib Bukele, với đa số ghế trong quốc hội, đã cho phép đảng của ông bãi nhiệm các thẩm phán và tổng chưởng lý. Trong khi đó, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega được cho là ngày càng mạnh tay với phe đối lập trước cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 11.
Tình hình Venezuela cũng là một vấn đề đau đầu với Mỹ. Hàng triệu người Venezuela đã rời bỏ quê hương và chủ yếu đến nước láng giềng Colombia, nơi cũng đang vật lộn với những thách thức riêng từ các cuộc biểu tình và tình trạng bạo lực trong đại dịch.
Elliot Abrams, cựu phái viên Mỹ tại Venezuela, đánh giá việc những người khốn cùng ở Mỹ Latinh tìm đường đến Mỹ thử vận may là điều hợp logic, nói thêm rằng Covid-19 khiến nhu cầu này càng trở nên khẩn cấp.
"Đại dịch đã khiến những vấn đề kinh tế tại Mỹ Latinh thậm chí tồi tệ hơn và thúc đẩy di cư trong một số trường hợp", Abrams cho biết, đồng thời nhận định nỗ lực truyền thông điệp yếu ớt tại biên giới không giúp ích gì.
Các quan chức và giới chuyên gia nhận định cái chết của Tổng thống Haiti Jovenel Moise, người bị ám sát tại dinh thự ở thủ đô Port-au-Prince hôm 7/7, sẽ khiến giới chức Mỹ chịu thêm áp lực. Bạo lực, thiên tai triền miên trước đây đã thúc đẩy người Haiti vượt biên tới Mỹ, và tình hình có thể tồi tệ hơn sau vụ ám sát.
Theo dữ liệu năm 2018 từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, khoảng 1,2 triệu người Haiti hoặc gốc Haiti đang sinh sống tại nước này. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn, bởi số lượng lớn người nhập cư không giấy tờ. Cộng đồng người Haiti tại Mỹ gửi về quê hương hơn 3 tỷ USD kiều hối hàng năm, chiếm khoảng 1/3 GDP nước này.
Amy Wilentz, tác giả nhiều cuốn sách về Haiti, đánh giá cuộc khủng hoảng di cư sẽ khiến Mỹ quan tâm nhiều hơn đến Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Moise. "Mỹ sẽ chú ý đến điều này và đây vốn đã là một vấn đề lớn", Wilentz nhận định về khả năng giải quyết bất ổn tại Haiti của Mỹ.
Chính quyền Biden từng ra những quyết định giúp con đường nhập cư hợp pháp trở nên dễ dàng hơn, nhưng giới phê bình cho rằng chúng lại dẫn đến số người di cư trái phép gia tăng. Phe Cộng hòa, thậm chí một số đảng viên Dân chủ, đã kịch liệt chỉ trích cách chính phủ xử lý vấn đề biên giới, bao gồm cả việc đưa ra những thông điệp hỗn loạn với những người đang cân nhắc có nên di cư hay không.
"Chúng tôi nhận thấy sự thiếu tự tin thực sự của chính quyền Mỹ về vấn đề biên giới, ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nó ngày càng trở nên rõ ràng", Margaret Myers, giám đốc nhóm cố vấn Đối thoại Liên Mỹ, đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo WSJ, AP)