Tình trạng bất ổn, vô pháp luật và bạo lực lâu nay bị coi là một "đặc sản" của Haiti. Hai thế kỷ sau khi giành được độc lập từ Pháp, quốc gia vùng Caribe vẫn chật vật nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy của chế độ độc tài và các cuộc đảo chính, khiến đất nước chìm trong nghèo đói, không đủ khả năng cung cấp những dịch vụ cơ bản cho nhiều người dân.
Khi một trận động đất kinh hoàng san phẳng phần lớn Haiti vào năm 2010, đất nước được cho là đứng trước cơ hội tái xây dựng cơ sở hạ tầng bị tàn phá và làm lại từ đầu, nhờ hơn 9 tỷ USD viện trợ nhân đạo và quyên góp quốc tế. Venezuela, bấy giờ là một đồng minh hùng mạnh của Haiti, còn cung cấp thêm dầu giá rẻ và các khoản vay ước tính trị giá 2 tỷ USD. Nhiều tổ chức viện trợ quốc tế cũng gấp rút chung tay giúp đỡ Haiti phục hồi.
Tuy nhiên, khoản tiền này cuối cùng không giúp Haiti bước sang trang mới. Nhiều chuyên gia thậm chí đánh giá tình hình đất nước ngày càng tồi tệ kể từ khi công cuộc tái thiết bắt đầu.
Ngay sau trận động đất, dịch tả bùng phát khiến ít nhất 10.000 người Haiti thiệt mạng. Nguồn lây được cho là từ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đến hỗ trợ. Nhiều năm sau, Liên Hợp Quốc mới thừa nhận mối liên quan, nhưng từ chối chịu trách nhiệm pháp lý, viện dẫn các hiệp ước giúp họ được trao quyền miễn trừ ngoại giao.
Bình luận viên Natalie Kitroeff và Anatoly Kurmanaev của NY Times còn chỉ ra yếu tố tham nhũng trong quá trình tái thiết. Michel Martelly, một danh ca trở thành tổng thống Haiti vào năm 2011, bị cáo buộc có hành vi tham nhũng quy mô lớn và quản lý yếu kém nguồn ngân sách dành cho tái xây dựng đất nước.
Báo cáo chi tiết của các kiểm toán viên do tòa án Haiti chỉ định giúp chứng minh hầu hết 2 tỷ USD mà Venezuela hỗ trợ cho nước này đã bị biển thủ hoặc lãng phí. Tổng thống Jovenel Moise, khi đó là một trùm buôn chuối ít được biết đến trong giới chính trị, cũng xuất hiện trong báo cáo do liên quan đến một kế hoạch bòn rút nguồn quỹ đáng lẽ dành để sửa chữa đường sá.
Những năm sau đó, tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài, cùng nạn tham nhũng và tội phạm gia tăng đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và yêu cầu Martelly từ chức. Tuy nhiên, cựu tổng thống Haiti vẫn nắm quyền hết nhiệm kỳ 5 năm, cho đến khi ủng hộ Moise làm người kế nhiệm. Moise giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 với khoảng 600.000 phiếu bầu, ở một quốc gia hơn 10 triệu dân.
Nỗ lực nắm quyền của Moise gặp chướng ngại ngay từ đầu, khi chiến dịch tranh cử của ông bị cáo buộc gian lận và tham nhũng. 14 tháng sau khi cử tri đi bỏ phiếu, Moise mới tiếp quản ghế tổng thống từ Martelly do tòa án không tìm thấy bằng chứng về những bất thường trong bầu cử trên diện rộng.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, Moise vẫn đối mặt bản cáo trạng về hành vi biển thủ liên quan đến tiền viện trợ từ Venezuela. Tuy nhiên, trong vài năm sau, Tổng thống Haiti được cho là đã lợi dụng quyền kiểm soát hệ thống tư pháp để bác bỏ các cáo buộc và làm suy yếu phe đối lập, vốn chưa bao giờ công nhận ông đắc cử. Kết quả là một chính quyền ngày càng tê liệt và hoàn toàn bế tắc vào đầu năm 2020, ngay khi đất nước đối mặt đại dịch Covid-19.
Một trong những tranh cãi lớn nhất xoay quanh thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của Moise. Năm đầu tiên sau cuộc bầu cử năm 2015, một tổng thống lâm thời đã điều hành đất nước trong lúc tòa án điều tra cáo buộc gian lận bầu cử. Vì vậy, Moise cho rằng ông nên có thêm một năm cầm quyền, nhưng phe đối lập kiên quyết bác bỏ.
Bất đồng này dần trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện. Hồi tháng 2, phe đối lập tuyên bố nhiệm kỳ của Moise đã kết thúc và thẩm phán Tòa án Tối cao Joseph Mecene Jean-Louis là tổng thống lâm thời. Moise gọi đây là âm mưu đảo chính và bắt 23 chính trị gia đối lập. Trước đó, vào tháng 7/2020, ông cách chức tất cả thị trưởng dân cử của đất nước khi nhiệm kỳ của họ kết thúc.
Chính quyền Moise còn không tiến hành bầu cử quốc hội, dù toàn bộ hạ viện đã hết nhiệm kỳ từ hơn một năm trước, trong khi chỉ 10/30 ghế tại thượng viện có người nắm giữ. Giữa lúc quốc hội Haiti không hoạt động, Moise bắt đầu điều hành đất nước bằng các sắc lệnh, được cho là khiến tính hợp pháp của chính phủ ngày càng suy yếu, dẫn đến biểu tình dâng cao.
Khủng hoảng chính trị đã tàn phá nghiêm trọng hệ thống y tế vốn yếu kém của Haiti. Nước này vẫn là quốc gia duy nhất ở Tây Bán cầu chưa nhận được bất cứ liều vaccine Covid-19 nào, đồng thời phải ứng phó với một đợt bùng phát mới. Mặc dù số liệu thống kê chính thức cho thấy ca tử vong vì Covid-19 ở Haiti vẫn tương đối thấp, các nhân viên cứu trợ cho biết các bệnh viện đã quá tải.
Đất nước càng lún sâu vào bất ổn khi các khoảng trống quyền lực dần bị lấp đầy bởi những kẻ đầu sỏ của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Những vụ bắt cóc, trộm cướp và bạo lực băng đảng khiến nhiều vùng của Haiti rơi vào tình trạng vô chính phủ, đông đảo dân chúng sợ hãi đến mức rời bỏ nhà cửa, một số tổ chức viện trợ phải cắt giảm hoạt động dù họ là nguồn sống của rất nhiều người.
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc những chính trị gia danh tiếng đang bắt tay với tội phạm có tổ chức để đe dọa đối thủ và trả đũa nếu có cơ hội, xuất phát từ khủng hoảng chính trị, khiến chúng ngày càng lộng hành.
Tháng trước, Jimmy Cherizier, một trong những thủ lĩnh băng đảng khét tiếng nhất Haiti, công khai tuyên chiến giới tinh hoa truyền thống của đất nước, kêu gọi người dân tấn công những doanh nghiệp nổi tiếng. "Tiền trong các ngân hàng, cửa tiệm, siêu thị và đại lý đều là của các bạn. Hãy đến lấy những gì thuộc về mọi người", trùm băng đảng có bí danh Barbecue nói trong một video trên mạng xã hội.
Vụ ám sát Moise tại dinh thự ở thủ đô Port-au-Prince hôm 7/7 được cho là đỉnh điểm của khủng hoảng sau nhiều năm bất ổn. Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph kêu gọi đất nước "bình tĩnh", trấn an người dân và thế giới rằng cảnh sát và quân đội đang kiểm soát tình hình.
"Tôi và tất cả bộ trưởng đã bắt đầu xử lý mọi công việc ngay khi tin tức xuất hiện. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ đưa những kẻ ám sát Tổng thống ra trước công lý. Làm ơn hãy bình tĩnh và để các cơ quan chức năng làm việc. Chúng tôi không muốn đất nước rơi vào hỗn loạn", ông phát biểu.
Tuy nhiên, những lời trấn an của Joseph dường nhưng không mấy tác dụng trong việc xoa dịu nỗi lo ngại về nguy cơ hỗn loạn, khi quốc hội không còn hoạt động và Chánh án Tòa án Tối cao Haiti Rene Sylvestre, người đáng lẽ sẽ kế nhiệm Moise theo quy định trong hiến pháp, vừa qua đời vì Covid-19 hôm 23/6.
"Mọi thứ giờ đây phụ thuộc vào Joseph", Didier Le Bret, cựu đại sứ Pháp tại Haiti, đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)