Không đồng tình với quan điểm "Võ truyền thống 'yếu' vì ngại thượng đài", độc giả Lâm cho rằng:
Võ cổ truyền không phải dùng để thượng đài đánh nhau. Giống như bạn học đại học, bạn có thể học nhiều chuyên môn nghiệp vụ khác nhau, nhưng khi ra đi làm, bạn chỉ có thể làm một trong số những chuyên môn nghiệp vụ đó thôi. Võ đường dạy cho bạn nhiều miếng đánh khác nhau (có khi hàng trăm miếng) nhưng khi ra thực chiến, bạn chỉ áp dụng được vài chiêu mà bạn thường luyện đi luyện lại ở nhà. Ai cũng học vài chiêu rồi đi giao đấu thì mọi bài quyền sẽ thất truyền hết. Phải giữ lại bài quyền để có người học chiêu này, có người học chiêu kia.
Một bên là dạy học như học viện, bên kia học vài miếng rồi đi đánh nhau, so sánh quá mức khập khiễng. Liệu bạn có thể vừa là bác sĩ, kỹ sư, quản lý công ty, vừa sẵn sàng lên đài nhận thách đấu? Học võ để đánh võ đài sẽ không có thời gian cho chuyện khác. 100 người học võ, 99 người không sống bằng nghề này. Võ sư dạy hàng trăm chiêu cho học sinh ở võ đường thì thời gian đâu để luyện vài chiêu đi đánh nhau? Có đi đánh nhau là mấy người xác định sẽ sống bằng nghề đánh võ đài. Ngoài ra còn mấy nghề nghiệp khác cần phải có võ dùng cho công việc như đóng phim, làm nhân viên bảo vệ, an ninh, quốc phòng...
Bạn vừa học đại học để sau này có nghề kiếm cơm, vừa đi học võ thì liệu bạn đánh lại được ai? Nhiều lắm cũng chỉ đánh được với mấy người trình độ tương tự. Gặp phải cao thủ, cả ngày luyện võ không làm việc gì khác, chỉ cần một đấm bạn cũng bị knock out rồi. Chỉ có người luyện võ chuyên nghiệp mới cần giao đấu với nhau. Nhưng trong số những người học võ, bao nhiêu người luyện võ chuyên nghiệp? Tỷ lệ có thể chỉ là 1/1000 người. Những người này thường là người có điều kiện.
>> 'Võ cổ truyền chắc chắn thua nếu lên võ đài đấu MMA'
Trong Tam Quốc, Quan Công bán rượu, Trương Phi bán thịt heo, Lưu Bị đan dép, ai có võ công cao hơn? Đơn giản là ai giàu hơn thì võ cao hơn, thế thôi. Ngay cả trong các phim về Thiếu Lâm Tự, như Phương Thế Ngọc muốn học võ nhà phải có tiền mới đóng tiền cho chùa để được dạy võ chứ đâu phải ai cũng có thể học. Hiện tại, học võ để rèn luyện bản thân chỉ hứng thú hơn các môn thể thao một chút, chứ còn lâu mới đi đánh nhau được.
Myke Tyson xuất thân nghèo khó, đi học một lớp quyền Anh bình dân (giống như ta đi học võ cổ truyền), nhờ có sức khỏe hơn là kỹ thuật, anh ta đấm knock out đối thủ trong các trận vòng loại tiền độ thấp vì chẳng ai biết anh là ai. Rồi có ông bầu (nhà tài trợ) để ý đến anh, bỏ tiền ra cho anh luyện tập, trải qua 26 trận thắng, anh mới có tư cách khiêu chiến nhà vô địch, rồi giành đai. Võ đài nhà nghề là như vậy chứ đâu phải như Từ Hiểu Đông thách đấu với mấy võ sư già không chuyên nghiệp chuyện đấu võ đài. Nếu Từ Hiểu Đông đi đấu với mấy võ sĩ MMA, có lẽ khó mà thắng được ai.
Thách đấu giữa người sống bằng nghề đấu võ đài với người không sống bằng nghề đó thì liệu có công bằng không? Tôi làm quản lý công ty nhưng thách đấu với bất kỳ võ sĩ MMA chuyên nghiệp nào về lĩnh vực quản lý công ty thì liệu ai đấu nổi? Bởi vậy mới có chuyện cười: một người bình thường thách đấu và thắng hai nhà vô địch thế giới về cờ tướng và bơi lội. Người ta hỏi thì anh ta trả lời, tôi thách đấu cờ tướng với nhà vô địch bơi lội và thách đấu bơi lội với nhà vô địch cờ tướng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.