Tháng 11/2016, Bộ Công thương cho hay đã trình Chính phủ phương án tăng giá mua điện gió và dự kiến sẽ được thông qua ngay cuối năm 2016 hoặc trễ nhất vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ ban hành giá mua điện gió mới đã được lùi sang trong vòng quý I/2017.
“Lúc đầu có thông tin tháng 12 vừa rồi sẽ có giá mua điện mới cho năng lượng tái tạo. Nhưng cuối cùng Việt Nam cũng lại thất hứa với các nhà tài trợ quốc tế. Đứng ở góc độ nhà đầu tư và hiệp hội, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị và gần như đấu tranh để làm sao có giá mua điện phù hợp hơn. Đến giờ, Chính phủ cho biết là lộ trình trong quý I này sẽ có giá điện mới”, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình chia sẻ và cho biết hiệp hội đã kiến nghị nâng giá mua điện gió lên mức 9,5 cent/kWh để nhà đầu tư có lãi.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tiềm năng điện gió tại Việt Nam vào khoảng 10.000 MW. Trên cơ sở này, Chính phủ từng đề ra mục tiêu phát triển 1.000 MW điện gió vào 2020. Tuy nhiên, sau khi xét lại điều kiện thực tế, mục tiêu này được điều chỉnh khiêm tốn hơn, xuống còn 800 MW trong "Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia sửa đổi". Khi chỉ còn 3 năm là đến mốc hoàn thành, mới có 4 dự án điện gió tại Việt Nam vận hành với tổng công suất 160 MW. Trong khi đó, tổng công suất mà các dự án điện gió trong nước đã đăng ký hiện lên đến 5.700 MW. Song, hầu hết các nhà đầu tư đều "án binh bất động" vì cho rằng làm điện gió với giá mua 7,8 cent/kWh chắc chắn sẽ lỗ. Đơn cử như tại Bến Tre, dù tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án điện gió với tổng công suất 150 MW nhưng cả 5 hiện vẫn nằm yên chờ giá.
Riêng dự án như nhà máy điện gió Phú Lạc (Bình Thuận), ông Thịnh cho hay, với 35 triệu euro vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), mỗi năm nhà máy phải trả 3 triệu euro tiền nợ, tương đương 70 tỷ đồng. Ông dự kiến, nếu thời tiết lý tưởng thì mỗi năm nhà máy đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng. Sau khi trả nợ thì còn 30 tỷ để trang trải mọi chi chí vận hành và nghĩa vụ thuế. Đây là một bài toán cân đối tài chính không chỉ "nguy hiểm" mà còn thuộc kiểu "đếm cua trong lỗ".
Không chỉ có giá mua điện gió hiện thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ 7,8 cent/kWh (Thái Lan: 20 cent/kWh; Philippines: 29 cent/kWh; Nhật Bản: 30 cent/kWh…), điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực của ngành công nghiệp địa phương cũng là thách thức với các nhà đầu tư. Cảng biển và đường sá tại Việt Nam rất hạn chế để đáp ứng việc vận tải các hệ thống siêu trường siêu trọng như thân hay cánh quạt điện gió. Máy móc thiết bị ngành này thì toàn bộ phải nhập khẩu.
“Có lúc một bộ phận của tuabin bị hỏng, chúng tôi buộc phải đặt mua và chở từ Đan Mạch về bằng máy bay dù nó nặng hàng tấn do cần gấp”, ông Phạm Văn Tín - Phó giám đốc Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường điện gió tại Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. “Thị trường điện gió Việt Nam đang phát triển về cả mặt chính sách lẫn mức độ cạnh tranh. Sau khi hoàn tất cung ứng thiết bị và dịch vụ cho dự án Phú Lạc 2, chúng tôi còn có một dự án mới 30 MW sẽ khởi công trong năm nay”, ông Giorgio Fortunato - Trưởng phòng Tiếp thị, Truyền thông và Công vụ Vestas Châu Á Thái Bình Dương, một công ty về sản xuất thiết bị và tổng thầu điện gió, nhận xét.
Bản thân Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình cũng đang ấp ủ nhiều tham vọng trong ngành năng lượng tái tạo vì cho rằng khi nút thắt giá điện được gỡ thì ngành này sẽ có cơ hội cất cánh. Sau khi vận hành nhà máy điện gió Phú Lạc - giai đoạn 1 công suất 24 MW tại Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, công ty này đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 240 tỉ đồng lên 450 tỉ để triển khai thêm một số dự án điện gió mới tổng công suất dự kiến khoảng 510 MW cùng với hơn 570 MW điện mặt trời. “Từ nay đến năm 2030 chúng tôi cần hơn 2 tỉ đôla Mỹ để phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Tây Nguyên”, ông Thịnh kết luận.
Phát triển điện gió kết hợp du lịch sinh thái Để tăng thêm nguồn thu, nhà máy điện gió Phú Lạc (Bình Thuận) đang có kế hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời kết hợp du lịch sinh thái. “Việc kết hợp điện gió với điện mặt trời để làm du lịch đã được chúng tôi tính tới. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển du lịch sinh thái thân thiện môi trường. Ngoài điện gió, điện mặt trời ra thì chúng tôi còn có dự án trang trại trồng rau sạch, nuôi gia súc sạch. Khi ấy, chúng tôi sẽ có bán vé tham quan.”, ông Bùi Văn Thịnh - Giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình cho biết. |
Viễn Thông