Theo thông tin từ ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, phương án tăng giá mua điện gió đã được bộ này trình Thủ tướng vào tháng 11 vừa qua. Dự kiến cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm sau, giá mua điện gió mới sẽ được thông qua, nhằm khích lệ các nhà đầu tư và các ngân hàng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.
“Chúng ta phải điều chỉnh giá mua điện gió với mức hợp lý để các nhà đầu tư tham gia và có được lợi nhuận hợp lý. Nói là lợi nhuận hợp lý bởi vì nhà đầu tư lúc nào cũng muốn tìm kiếm lợi nhuận càng nhiều càng tốt và thu hồi vốn càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, ngược lại, Chính phủ cũng phải có chiến lược để phát triển điện gió vừa tương xứng với tiềm năng vừa phù hợp với việc quản lý vận hành của hệ thống điện. Do đó, chúng tôi đang tính một kịch bản giá để điện gió có thể thâm nhập vào hệ thống điện với sản lượng chiếm 15% đến 20%.”
Hiện cả nước có khoảng 4 dự án điện gió đã có điện bán vào hệ thống điện quốc gia, bao gồm: Dự án điện gió tại Tuy Phong (Bình Thuận); Dự án Phong điện trên đảo Phú Quý (Bình Thuận); Dự án điện gió Trung Nam (Ninh Thuận) và Dự án điện gió Bạc Liêu. Ngoài dự án điện gió Bạc Liêu được bán điện với giá 9,8 cents/kWh do là điện gió trên biển, các dự án còn lại trên đất liền phải áp dụng mức giá là 7,8 cent/kWh. Trong đó, 6,8 cent/kWh do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả, 1 cent còn lại chi từ Quỹ Bảo vệ môi trường.
Theo nghiên cứu trước đó của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), với mỗi MW điện gió tại Việt Nam, chi phí đầu tư trung bình là 2 triệu đôla, chi phí vận hành hàng năm là 35.000 đôla nên giá mua 7,8 cent/kWh không khuyến khích được đầu tư vì chủ dự án sẽ lỗ. “Chính sách giá mua điện gió mới là cái mà chúng tôi đang đợi rất lâu. Với giá mua điện gió hiện nay thì kể cả khi chúng tôi có cố gắng tằn tiện, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tất cả mọi thứ thì cũng không cân bằng được bài toán tài chính”, ông Bùi Văn Thịnh – Giám đốc Công ty phong điện Thuận Bình (EVN-TBW) chia sẻ.
Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia sửa đổi, đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 800 MW điện gió và tăng lên tổng công suất đạt 6.000 MW vào năm 2030. Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 160 MW điện gió. Trong khi đó, tiềm năng điện gió trên đất liền vào khoảng 7.000 MW và ngoài khơi là 10.000 MW.
Cùng với tăng giá mua điện, Bộ Công Thương cũng đã đề ra chiến lược giúp giảm chi phí đầu tư cho điện gió. Cơ quan này cho rằng cần tăng nội địa hóa cho đầu tư điện gió. Theo đó, các phần như thân cột, thiết bị điều khiển và xây dựng thì Việt Nam có thể làm được. Máy phát, tua bin thì có thể nhập khẩu. Cùng với đó, phải có mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn dành cho các dự án năng lượng tái tạo.
“Chính phủ cũng cần quan tâm đến vấn đề tài chính. Hiện nay lãi suất vay các dự án năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo còn rất cao. Ví dụ, một số dự án thủy điện nhỏ phải vay với mức 9-10%. Nếu dùng mức lãi vay này thì không thể phát triển được”, ông Thực nhấn mạnh.
Ông Steve Sawer – Tổng thư ký Hội đồng năng lượng gió toàn cầu dự báo, đầu tư điện gió tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ thuận lợi hơn vì giá thiết bị đang có xu hướng giảm. “Chi phí cho điện gió vẫn đang tiếp tục giảm. Điện gió là phương tiện rẻ nhất để tăng sản lượng điện cho các thị trường mới tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, kể cả thị trường Mỹ và Canada. Chi phí tiếp nhận công nghệ làm điện gió ngoài khơi cũng đang đi xuống”, ông Steve Sawer nhận xét.
Theo số liệu của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), đến hết 2015, tổng công suất của điện gió trên thế giới đạt gần 433 GW, tăng 17% so với 2014. Dự báo tổng công suất điện gió toàn cầu đến 2020 sẽ đạt hơn 790 GW. Tốc độ tăng trưởng công suất bình quân hàng năm cho giai đoạn 2016-2020 là 21,9%. Hiện, điện gió đang chiếm khoảng 4% tổng sản lượng điện cung cấp trên toàn cầu. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2020.
Viễn Thông