Đọc bài viết "Đầu tư đúng đắn trong cơn sóng ngầm giảm giá bất động sản", tôi cũng muốn chia sẻ về câu chuyện buôn bán nhà đất mà chính tôi có cơ hội được tận mắt chứng kiến.
Tôi có người sếp, lúc đang thịnh vượng, sở hữu gần 30 căn nhà và đất nền các loại. Khá nhiều trong số đó được ông mua bằng vốn vay ngân hàng (khoảng 50%). Nhưng năm 2006-2007 là thời điểm cực thịnh của thị trường bất động sản. Khi ấy, có lúc, sếp mới đặt cọc mua đất buổi sáng, mà đến chiều đã bán lại được cho người khác, kiếm lời 50-70 triệu đồng trong nháy mắt.
Bán xong, tiền lời được bao nhiêu, sếp lại hùn vốn vay để "ôm" thêm mảnh đất khác. Vòng lặp ấy cứ tiếp diễn liên tục, khiến số tiền bỏ ra để đầu tư đất cũng ngày một phình to. Ông quả quyết với chúng tôi rằng, sang năm 2008, giá nhà đất sẽ còn tăng mạnh hơn năm nay.
Thế nhưng không may, mọi chuyện diễn biến theo hướng ít ai ngờ tới. Bước sang năm 2008, giá nhà đất bắt đầu chững lại, thị trường dần "đóng băng" khiến việc buôn bán trở nên vô cùng khó khăn. Thế nhưng, sếp vẫn đinh ninh rằng chuyện này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, rồi giá đất sẽ lại lên tiếp. Nghĩ vậy nên ông vẫn tiếp tục dồn tiền "ôm" thêm vài mảnh nữa, thậm chí còn đi vay bên ngoài để trả lãi ngân hàng trong thời gian chờ thị trường hồi phục.
Nhưng một năm nữa lại trôi qua, tình hình vẫn chẳng mấy khả quan hơn. Bước sang năm 2009, giá đất còn xuống mạnh hơn nữa. Lúc này, thị trường bất động sản gần như tê liệt khiến Nhà nước phải tìm cách giải cứu bằng cách giảm 50% thuế giá trị gia tăng, nhưng hàng tồn của các doanh nghiệp vẫn còn cao chất ngất, huống chi là đầu tư thứ cấp.
>> 'Tám năm mua nhà đất để bảo toàn tài sản'
Quyết không nhận thua, sếp tôi vẫn kiên định bám trụ tới cùng. Nhưng đến năm 2011, ông chịu hết nổi vì không còn ai cho vay tiền trả lãi ngân hàng nữa. Cuối cùng ông buộc lòng phải bán dần đất cho chính những người đã cho ông vay tiền với giá rất rẻ mạt. Nếu không làm vậy thì tài sản của ông cũng bị ngân hàng phát mãi.
Đến năm 2014, tài sản của ông gần như bằng "0". Ông bán nhà đang ở, đưa vợ con ra thuê phòng trọ mà vẫn còn nợ tới mấy tỷ đồng. Vậy là công cuộc buôn đất làm giàu của sếp chính thức khép lại. Nhưng giàu đâu chẳng thấy mà ông còn mất tất cả, trở về cảnh tay trắng, lại cõng thêm một đống nợ nần không biết đến bao giờ mới trả hết.
Tóm lại, sau câu chuyện này, tôi chỉ muốn khuyên các bạn một điều rằng, nếu có tiền dư, không phải vay mượn thêm của ai khác thì bạn hãy nghĩ đến chuyện mua nhà đất để đầu tư tích trữ. Ít nhất, nếu giá không tăng hoặc thậm chí bị giảm, thì bạn cũng chỉ mất chút chi phí, cơ hội và tiền chênh lệch giá so với lúc mua mà thôi. Miếng đất căn hoặc căn nhà của bạn vẫn nằm đó chứ không mất đi đâu. Còn nếu ham lời, vay vốn đầu tư, trong 5 năm mà giá nhà đất không hồi phục, bạn sẽ mất tất cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.