Chia sẻ quan điểm không ủng hộ chuyện bắt chước người khác để làm giàu, độc giả Tran Quang Minh cho rằng:
"Nêu các tấm gương ở nhiều ngành nghề khác nhau để làm theo, chứng tỏ bản thân bạn cũng không xác định mình thực sự đam mê điều gì và cống hiến cho ngành nghề đó. Thời đại này, người thành công không chỉ cần kiến thức và nhiệt huyết mà còn cần sự sáng tạo. Bạn chỉ làm theo người khác thì chắc chắn sẽ thất bại hoặc kinh doanh lay lắt.
Bản thân bạn phải ham học hỏi một chuyên môn nào đó. Từ đó, bạn tạo ra một sản phẩm khác biệt (mà trong trung hạn khó có đối thủ cạnh tranh), đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo giá trị. Làm được điều này bạn đã có 10% yếu tố để thành công. 40% của sự thành công là nỗ lực của bạn để tiếp tục học hỏi từ sách vở (loại chuyên ngành, không nên đọc các loại sách vu vơ) về kiến thức quản trị, chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống, quy trình hóa doanh nghiệp (thời đại này nên số hóa ngày từ bước đầu), bộ máy tuyển dụng và đào tạo... Đồng thời, bạn cũng cần trau dồi các kỹ năng cần thiết như lãnh đạo, giao tiếp, truyền cảm hứng...
40% còn lại nằm ở khả năng thu hút và đào tạo nhân tài của bạn. Không ai thành công trong kinh doanh (thực sự thành công) mà không có các nhân tài bên cạnh họ. 10% cuối cùng nằm ở góc nhìn dài hạn và vĩ mô của bạn để có tầm nhìn 5, 10, 20 năm sau. Chỉ có 0% dành cho may mắn, vì các bạn phải làm chủ định mệnh của bản thân, không nên trông chờ điều này. Nếu có may mắn thì nên trả lại cho đời, nếu có rủi ro thì do quy trình quản trị của mình chưa tốt".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Hải Đăng nhấn mạnh người muốn thành công phải biết rõ điểm mạnh - yếu của mình:
"Thấy người khác bán hàng online, cũng muốn bán hàng online; thấy họ mua đất, cũng muốn vay tiền mua đất; thấy họ mở xưởng may cũng muốn mở xưởng may... Như thế là quá mơ mộng. Trước tiên, bạn phải biết điểm mạnh của mình ở đâu. Ví dụ, bạn cần xác định việc kinh doanh sắp tới có liên quan đến công việc hiện tại của mình hay không? Từ đó, bạn phải phát triển điểm mạnh của mình trước. Đừng thấy người khác nghỉ học sớm làm cái này, cái nọ thành công, thì một người học Đại học như bạn bắt buộc phải thành công như họ. May mắn vẫn có nhưng nếu họ không có kiến thức với những công việc đang làm thì họ sao thành công được?".
>> 'Có trí tuệ như Bill Gates hãy bỏ học làm giàu'
Khẳng định không nên nhìn vào thành công của người khác để nhắm mắt lao theo, độc giả Hạ chia sẻ:
"Mỗi người có một khả năng, không nên nhìn người khác thành công rồi mình cũng làm theo. Có những người đi lên từ hai bàn tay trắng vẫn xây dựng cơ nghiệp. Nhưng cũng có những người đi lên từ hai bàn tay trắng và đã gây nên một số nợ khổng lồ. Bạn phải tự biết sở trường và sở đoản của mình, cộng với những kinh nghiệm học hỏi được trong thực tiễn để đưa ra quyết định. Nếu tự tin có thể tự lập dự án và triển khai từng bước nhỏ thì quá tốt. Còn nếu mông lung, bạn có thể nhờ một người có kinh nghiệm về lĩnh vực để tư vấn và định hướng giúp. Đồng tiền kiếm được không dễ, nếu đi vay mượn để đầu tư lại là cả vấn đề lớn. Càng quyết tâm làm giàu, càng phải cân nhắc tìm hiểu kỹ, không vội vàng, vì nếu vội học phí sẽ rất đắt".
"Trước khi ước ao những thứ người khác có, bạn nên thẳng thắn nhìn nhận lại bản thân có năng lực được như người ta không? Làm giàu ai mà không muốn, nhưng bạn không nên chỉ nhìn vào những người thành công, mà phải xem xét cả những người thất bại và học thêm nhiều bài học trong kinh doanh nữa. Đừng dốc hết vốn hay cầm cố nhà cửa của ba mẹ để khởi nghiệp. Làm thử thứ nhỏ trước, khi kiếm được tiền, nhìn thấy mặt trái của kinh doanh rồi hãy mở rộng. Đây không phải là suy nghĩ tiêu cực mà là sự chuẩn bị cần thiết. Dễ với người nhưng chưa chắc dễ với ta", bạn đọc Thanh Đình bổ sung thêm.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Việt Thành tổng hợp