"Năm 2023, vợ giấu tôi đầu tư vào một mô hình kinh doanh đa cấp. Thấy vợ mang quà tặng là cốc và mũ bảo hiểm về, nên tôi bắt đầu nghi ngờ và gặng hỏi cho ra nhé. Lúc này, với mới chịu nói thật là đang tham gia đa cấp. Tôi cũng không trách gì vợ mà chỉ bảo 'khi nào đáo hạn thì không được đầu tư nữa'.
Tôi thấy với mức lãi suất cực cao mà thời gian đáo hạn chỉ ba tháng là quá vô lý, chắc chắn chỉ có lừa đảo. Với thời gian đáo hạn ngắn như vậy thì tiền mới mượn về chưa kịp làm gì đã phải trả lãi rồi thì làm sao tạo ra lợi nhuận được? Vợ một mực giải thích rằng: 'Công ty rất thành công, sở hữu đội game nổi tiếng, có sở hữu nhà hàng và đầu tư vào một nhà máy sản xuất bột nêm'.
Nghe vậy, tôi phân tích lại: 'Không có công ty nào tài trợ đội game hay thể thao mà có lợi nhuận như vậy cả, đó chỉ là vỏ bọc của họ mà thôi. Còn loại bột nêm mà công ty sản xuất mình còn không dùng thì nghĩ gì có người khác dùng. Riêng nhà hàng đó chính mình cũng đi qua nhiều lần nhưng có thấy đông khách lắm đâu, mặc dù mặt bằng rất rộng'.
Lúc đó, tôi cũng nói với vợ rằng công ty này nhiều lắm chỉ tồn tại được hai năm nữa với kiểu kinh doanh như vậy. Và quả đúng là những gì tôi dự đoán đã trở thành hiện thực. Nói chung, muốn đầu tư vào đâu thì cũng cần phải tìm hiểu kỹ về công ty và đặc biệt là các rủi ro có thể gặp phải".
Đó là chia sẻ của độc giả Duchanh về câu chuyện "Lừa đảo kiểu Ponzi". Mô hình Ponzi dựa vào dòng tiền của người mới để trả lãi cho người cũ, tạo ra một ảo giác về thành công. Ở Việt Nam, mô hình Ponzi ngày nay thường kết hợp với mô hình đa cấp để tận dụng tối đa lòng tin của người tham gia. Một người tham gia sẽ mời gọi thêm bạn bè, người thân của mình, vòng xoáy niềm tin cứ thế lan rộng, tạo thành một mạng lưới vững chắc, nhưng chỉ tồn tại trên nền tảng của lòng tin mù quáng, chứ không phải sự bền vững của tài chính.
>> Đa cấp lừa mẹ tôi mua hộp hồng sâm giá 5 triệu đồng
Tin rằng mình có thể "rút ra nhanh hơn" người khác, đủ nhanh nhạy để thoát kịp trước khi hệ thống đổ vỡ, chính là suy nghĩ của nhiều người khi tham gia đa cấp. Bạn đọc Tiểu miu cảnh báo: "Bây giờ có quá nhiều khái niệm 'lùa gà' như 'đầu tư bằng tri thức của người khác', 'tiền tự sinh ra tiền'... gây ảo tưởng cho một số người khi nghĩ rằng mình đang đầu tư. Thực tế là họ chỉ đang chơi trò may rủi.
Một số người có hiểu biết hơn nhưng vẫn tham gia vì tâm lý 'ăn non. Cuối cùng, vì lợi nhuận quá lớn nên họ lại tiếp tục bỏ tiền vào và ngày càng lún sâu, không dứt ra được. Tôi cứ tự nhủ tiền do mình nắm giữ mới là chắc chắn, trên đời này không có chuyện lãi suất luôn cam kết 40%, chẳng có ngành nghề nào đạt được mức lợi nhuận lý tưởng đó một cách bền vững, chưa kể tình hình thế giới gần đây quá nhiều biến động".
Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo theo mô hình Ponzi, độc giả PT nhấn mạnh: "Tôi chưa bao và sẽ không bao giờ có ý nghĩ sẽ đưa tiền của mình cho người khác đầu tư hoặc kinh doanh theo kiểu đa cấp để lấy lãi cao. Tôi sẽ chỉ đầu tư những gì mình thực sự hiểu biết và có kiến thức. Nếu như thất bại thì điều tôi nhận lại sẽ là bài học, kinh nghiệm cho mình sau này. Ít nhất tôi biết mình sai ở đâu để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Quan trọng hơn cả là mỗi người phải chiến thắng lòng tham của chính mình. Không có công việc lương thiện nào có thể kiếm được tiền một cách dễ dàng. Chỉ có những kẻ lừa đảo mới vạch ra cách kiếm tiền nhanh và đem lại lợi nhuận không tưởng cho người khác. Hãy luôn luôn tỉnh táo và suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định bỏ tiền vào đâu đó".
* Bạn từng dính bẫy lừa khi tham gia hoạt động đa cấp?
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- Bị đa cấp 'tẩy não', mẹ tôi đi vay nóng mua hồng sâm 5 triệu đồng
- Vỡ mộng 'tiền tự đẻ nhờ đa cấp'
- Bỏ của chạy thoát thân đa cấp
- Tôi may mắn thoát bẫy lừa đa cấp
- 'Lan đột biến hàng tỷ đồng giống đa cấp'
- 'Tiền ảo chẳng khác gì trò chơi đa cấp'