Giá cả mọi mặt hàng trong xã hội đều dựa vào luật cung - cầu, tức là khả năng cung cấp ra thị trường những mặt hàng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường đó. Thị trường luôn tìm được điểm cân bằng về giá, có nghĩa là điểm mà nguồn cung và nhu cầu gặp nhau và có thể tồn tại được.
Chỉ cần có sự lệch pha giữa hai phía thì giá cả sẽ thay đổi. Ví dụ nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu không có thì giá sẽ hạ; ngược lại, nguồn cung quá ít mà nhu cầu quá nhiều thì giá sẽ tăng. Bên cạnh đó, giá quá cao cũng khiến nhu cầu giảm sút, trong khi giá quá thấp lại có thể khiến nhu cầu tăng cao. Làm ăn kinh doanh, ai cũng phải hiểu nguyên lý cơ bản này của thị trường.
Trong câu chuyện lan đột biến đang rất nóng trong thời gian gần đấy, có thể thấy nhu cầu xã hội về mặt hàng này rất thấp, nhất là khi giá của những chậu lan này lên tới hàng tỷ đồng. Chưa kể, những giống lan này, hoàn toàn có thể được nhân bản và vì thế nguồn cung chắc chắn có thể tăng lên rất dễ dàng.
>> Ai thu thuế lan 'đột biến' hàng tỷ đồng?
Việc buôn bán lan đột biến hiện nay hoàn toàn đi ngược lại với quy luật của thị trường (như đã nói ở trên). Những người có tiền là những người làm ăn kinh doanh, chắc chắn họ hiểu được vấn đề cơ bản này, nên chẳng ai dại gì bỏ ra số tiền lớn như vậy để đầu tư vào lan đột biến. Không ai lại đi mua một thứ với giá "cắt cổ" chỉ để bán lại khi biết chắc rằng không thể nào có giá cao hơn.
Theo như nhận định của tôi, việc buôn bán lan đột biến này có dấu hiệu của "lừa đảo". Đây có thể là mô hình đa cấp Ponzi như lời của giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Nhưng tôi nghĩ, rất có thể đây chỉ là chiêu trò của một số đối tượng đầu cơ, nhằm "thổi giá" để bán những chậu lan khác với giá hàng triệu, chục triệu đồng cho những người hám lợi. Vì rõ ràng, khi đặt cạnh những chậu lan được livestream bán với giá nhiều tỷ đồng trên mạng, thì những chậu lan chỉ vài chục triệu trở nên quá rẻ, là món hời khó bỏ qua với những người nhẹ dạ, mặc dù giá trị thật của chúng đôi khi chỉ có vài trăm nghìn đồng.
Thời gian gần đây, hàng loạt giao dịch mua bán lan đột biến với giá lên tới hàng chục tỷ được livestream trên mạng xã hội khiến nhiều người ngờ vực. Điển hình là giao dịch "mua ba cây lan giá 32 tỷ đồng" ở Bình Phước; hay giao dịch "trị giá 250 tỷ đồng" ở Quảng Ninh; gần nhất là thương vụ mua bán lan "có giá hơn 1,6 tỷ đồng" ở Nghệ An...
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.