Sau câu chuyện "Sập bẫy ma trận bán hàng đa cấp", độc giả Đào Huy Hoàng kể lại chính trải nghiệm của bản thân khi suýt thành nạn nhân của bẫy lừa đa cấp:
"Nếu như chỉ bỏ có 200 triệu mà lãnh về tận một tỷ đồng, tôi nghĩ Việt Nam ta đã xóa sổ ăn xin và cũng chẳng có cảnh người già bị bỏ rơi đâu đó để tự bươn chải, mọi người đều là tỷ phú cả rồi. Ngân hàng cũng coi như đóng cửa vì lãi suất chỉ vài % mỗi năm sao sánh bằng đa cấp? Chỉ có mờ ám, lừa đảo thì mới làm được vậy.
Tôi từng suýt dính bẫy cũng nhờ phát hiện ra thằng bạn học dốt đóng vai là Thạc sĩ về kinh tế gì đó... Vừa nghe giới thiệu xong là tôi hiểu chuyện liền. Vậy nên, trong những người đóng vai là khách hàng có địa vị trong xã hội, có học vị cao, nhiều khi cũng chỉ là người của công ty sắm vai để đóng tuồng thôi.
Tôi nói ra điều này, không chủ ý đề cập tới bất cứ ai, mà chỉ mong mọi người hãy suy nghĩ thật chín chắn, tỉnh táo rồi hãy quyết định sau cùng là sẽ làm gì và làm thế nào?".
Cũng may mắn thoát bị sập bẫy đa cấp, bạn đọc Tao Nguyen chia sẻ câu chuyện của bản thân:
"Khó trách những nạn nhân này vì là bẫy nên các công ty lừa đảo ngụy trang rất kỹ. Ví dụ, ban đầu, họ thuê nhân chứng giả, khẳng định người của bọn chúng thu được hàng tỷ đồng, ai mà không ham? Trước đây, tôi từng ở một vùng nghèo của tỉnh Đăk Nông, cứ thấy hội thảo này kia liên tục. Ban đầu, tôi cũng có đi thử, chủ yếu để kiếm quà tặng. Nhưng sau đó, tôi có nghĩ lại, thấy tốt nhất là không đi để chúng không có cơ hội "rót mật vào tai" và xem như mình không biết gì. Chính nhờ việc tránh tham dự những cuộc hội thảo đó nên tôi đã bình an vô sự, trong khi rất nhiều người đã sập bẫy, trong đó có cả anh trai tôi".
Không có được may mắn đó, dù được nhiều người cảnh bảo, nhưng người thân của độc giả Trieu nguyen vẫn trở thành nạn nhân của đa cấp:
"Mẹ vợ tôi cũng chuẩn bị vướng vô đây, cho dù con cháu có nói sao cũng không chịu nghe, vì mấy người trong công ty đa cấp nói quá thuyết phục. Thậm chí, lúc đầu họ còn sẵn sàng đem lại lợi nhuận, niềm vui tức thời cho nhiều người ít tiếp xúc bên ngoài. Đang ở nhà giữ cháu, coi nhà, nay tự nhiên có người mời đi hội thảo, nghe cũng hoàn tráng lắm chứ? Rồi người công ty nói dăm ba câu đường mật..., cuối cùng mẹ vợ tôi vẫn đồng ý bỏ tiền mua vài thứ với mức giá trên trời. Ở nhà, tiền không dám tiêu, vậy mà đi hội thảo, bà dám bỏ 1-2 triệu đồng cho một món hàng nhãn mác không đầy đủ. Cũng may là số tiền đó nhỏ nên chúng tôi cũng đành kệ. Mong mẹ vợ tôi sớm nhận biết được các bản chất thật của các công ty đa cấp như thế này".
>> 'Người tham nhưng có hiểu biết sẽ không bị sập bẫy lừa tiền'
Nói về lý do nhiều người có học vị cao trong xã hội vẫn sập bẫy lừa của đa cấp, bạn đọc Luong Huynh cho rằng:
"Người ngoài cuộc rất khó lý giải vì sao trình độ cao như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... vẫn vướng vào đa cấp. Nhưng nếu một lần bạn bị vài rủi ro về công việc, bị gia đình bạn bè xem thường, bạn sẽ cố đi tìm chân lý mới cho riêng mình. Đa cấp kích thích ngay điểm này hay thực chất là nó đánh đúng bản năng sâu xa trong mỗi con người, đó là vươn lên cao hơn người khác. Ngòi nổ tham lam chỉ bị kích hoạt trong ma trận cuối cùng, để rồi nhiều người nói họ sao tham thế?
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, chưa hẳn họ vì tiền nên mới lao vào. Ban đầu, có thể họ cũng chỉ tham gia cho vui, số vốn rất ít và có lẽ là vui thật, giống như "cô thợ may đã bị choáng với những chiếc máy quét an ninh, thang máy tự động, hàng trăm chiếc ôtô dán logo tập đoàn đỗ ngoài sân bãi và rừng cờ, băng rôn khẩu hiệu treo hai bên lối đi...". Và đôi khi, chính những sự hào nhoáng đó đã thôi thúc họ nâng cao bản thân mình. Và thế là đa cấp có đất sống".
Khẳng định nhiều người đã biết về những bẫy lừa của đa cấp, nhưng vẫn dấn thân vào, độc giả Hoàng Nam lý giải:
"Theo lời khai của những bị hại: "Đã đi dự hội thảo của ba công ty đa cấp khác nhau nhưng cuối cùng chọn công ty này vì thấy họ đáng tin hơn, đồ ăn ngon hơn". Chứng tỏ nhiều bị hại đã biết rất rõ về đa cấp nhưng vẫn lao đầu vào. Vì lòng tham, vì họ nghĩ mình vào trước sẽ có lời. Còn người bị gạt hết tiền là người vào sau nên cứ thế đâm đầu vào nhưng không ngờ công ty sụp quá nhanh. Không biết nạn nhân đang thương hay đáng trách?".
Trong khi đó, bạn đọc noithat.hdp1 lại hướng trách nhiệm để đa cấp lộng hành sang những nhà quản lý, các cơ quan chức năng khi không ngăn chặn triệt để sự bành chướng, công khai của loại hình lừa đảo này:
"Buồn vì dân ta nhiều nơi còn hạn chế về hiểu biết, thiếu thông tin, không biết dựa vào đâu? Nhưng tôi tự hỏi tại sao lại có nhiều tập đoàn đa cấp lừa đảo như vậy ngang nhiên hoạt động như chỗ không người, ngay tại thành thị trung tâm chứ đâu phải miền núi xa xôi? Những hội thảo tổ chức ầm ĩ với số lương lớn, mà không cần xin phép hay bị chính quyền địa phương can thiệp. Xã hội phải có môi trường mới dung dưỡng được nhiều người lừa đảo tồn tại như vậy".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Việt Thành tổng hợp