(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Tôi hiện nay 37 tuổi, vợ tôi 36 tuổi, có hai con 6 và 8 tuổi, đang sinh sống tại ngoại thành Sài Gòn. Gia đình hiện có hai ông bà ở cùng (không có thu nhập), đang nuôi một đứa em năm cuối đại học.
Kinh tế gia đình có 4 nguồn thu nhập độc lập (tổng cộng khoảng 100 triệu/tháng). Hai vợ chồng đi làm cơ quan, được hơn 10 năm. Ngoài ra, tôi nhận làm thêm công việc tư vấn cho một đơn vị khác. Một nguồn thu nhập từ cho thuê nhà (nhờ dành dụm tiết kiệm trong thời gian đi làm).
Nhà tôi ở hiện tại mua được cũng nhờ vay tiền ngân hàng dựa trên thu nhập đi làm của hai vợ chồng. Qua ý kiến của nhiều bạn đọc về vấn đề tiền bạc của vợ và chồng, tôi có một số ý kiến chia sẻ như sau:
Chồng và vợ, ai cũng muốn mình được giữ lương của người kia, để có thể chủ động chi tiêu cho cá nhân và cho gia đình. Người ta thường nói "tiền đi theo với quyền". Ai cũng ái ngại khi phải chuyển giao lương và phải xòe tay để "xin" khi cần sử dụng cho một số mục phát sinh khác.
>> 'Người chồng tinh tế sẽ đưa lương cho vợ giữ'
Do đó, để dung hòa thì tốt nhất là vợ và chồng nên giữ lương của mình, sau khi đã trích ra phân trăm các khoản chi tiêu chung (chi phí sinh hoạt gia đình, trả tiền vay, tiết kiệm.....).
Chồng và vợ, khi bàn giao tiền lương cho đối phương, sau một thời gian làm việc, hỏi lại thì phát hiện ra không tiết kiệm được đồng nào, hoặc rất ít. Các bạn lại đổ lỗi cho đối phương là tiêu xài hoang phí hoặc không biết tiết kiệm.
Các bạn quên rằng mình cũng có lỗi là phó thác hoàn toàn cho đối phương mà không có phương án chi tiêu ngay từ đầu. Hai vợ chồng nên có một bảng chi tiêu gia đình (dùng sổ hoặc bảng tính excel, hoặc một số ứng dụng trên điện thoại thông minh), trong đó liệt kê:
Ưu tiên 1: Số tiền cần tiết kiệm, hoặc trả nợ vay. Cần cắt ngay số tiền này bỏ ống heo hoặc gửi tiết kiệm online, khi hai vợ chồng vừa có lương. Sai lầm thường thấy ở các bạn (nhất là phụ nữ) là chỉ tiết kiệm sau khi đã chi tiêu, thường là còn rất ít, thậm chí không có.
Vợ tôi ban đầu cũng có thói quen này. Từ khi vay ngân hàng để mua nhà, lương vừa vào tài khoản là ngân hàng cắt ngay một khoản tiền nợ. Khi đó, chúng tôi mới có thể tiết kiệm nhiều hơn trước đây.
>> 'Thà độc thân sang chảnh hơn nheo nhóc chồng, con'
Ưu tiên 2: Số tiền cần chi tiêu chung trong gia đình: tiền thuê nhà, học phí cho con (nếu có), tiền chợ, tiền điện nước/internet, tiền hỗ trợ nội/ngoại... Tùy theo thu nhập của chồng/ vợ mà quy định ai sẽ trả mục nào, không nhất thiết phải nộp cho người kia.
Ví dụ, vợ tôi phụ trách trả tiền vay ngân hàng. Nhưng tôi phải có nghĩa vụ gửi lại cho cô ấy một khoản tiền chợ và điện nước, ngoài ra, tôi sẽ gửi tiền phụ bên nội, đóng tiền học phí cho hai con.
Ưu tiên 3: Số tiền cần chi cho vợ và chồng khi đi làm: xăng, cafe, nạp điện thoại, ăn uống khi đi làm Tôi làm kinh doanh nên cần chi nhiều cho xăng xe, cafe, tiếp đối tác. Còn vợ tôi thì ít ra ngoài, nhưng sẽ cần nhiều cho khoản mỹ phẩm, làm đẹp.
Ưu tiên 4: Số tiền cho mục đích giải trí: đi ăn ngoài, cafe cuối tuần, đi chơi xa,...; cho giáo dục (mua sách, mua khóa học online...) Do thu nhập tôi gấp đôi vợ, nên tôi sẽ phụ trách và quyết định cho khoản này.
Nếu tháng nào kiếm được nhiều hơn, tôi trích 50% phần này để tiết kiệm, còn lại sẽ để trong tài khoản cho một chuyến đi chơi xa.
>> 'Gia đình lập quỹ chung, vợ chồng tiền ai nấy tiêu'
Ưu tiên 5: Số tiền chi đột xuất (không thường xuyên): cưới hỏi, ma chay, sửa xe, mua vật dụng trong gia đình. Mục này hai vợ chồng tự bàn với nhau, do phát sinh không thường xuyên, có thể trích ra từ tiền tiết kiệm, hoặc hai vợ chồng dè sẻn để góp hai, ba tháng mới dùng tới.
Tóm lại, ở Việt Nam, trường lớp dạy rất nhiều môn học, nhưng chưa có bộ môn nào gọi là tài chính cá nhân và tài chính gia đình cho các bạn trẻ khi bước vào đời, hoặc bắt đầu lập gia đình.
Do đó, các bạn trẻ nên tự trang bị kiến thức tài chính cá nhân và tài chính gia đình, từ internet (kiến thức rất nhiều và miễn phí) hoặc các khóa học chuyên sâu từ các chuyên gia tài chính.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phát