Sau bài viết Đưa 20 triệu mỗi tháng, vợ tôi không tiết kiệm đồng nào, một số độc giả chia sẻ có đôi lúc phụ nữ lại không hề biết cách quản lý chi tiêu, tiền đưa đến đâu, hết đến đó:
Người đàn ông lấy một người phụ nữ biết cần kiệm quan tâm gia đình thì người đàn ông đó đã hạnh phúc. Ngược lại, nếu người phụ nữ không biết quán xuyến, cần kiệm, tiêu tiền quá mức cho chưng diện, thì người đàn ông đó lọt vào hố đen vũ trụ. Đó là chưa nói đam mê nhưng thứ khác như cờ bạc đề đóm, tụ tập ăn nhậu.
Đàn ông chả ai muốn mỗi sáng, hay mỗi tháng phát tiền cho vợ, nhưng nếu người lo xa thì buộc phải làm vậy thôi.
Tôi lập gia đình, mỗi tháng đầu đưa vợ 50 triệu, chưa hết 30 ngày là hết tiền đi chợ, được đâu tầm 3 tháng như vậy tôi giữ tiền từ đó đến nay. Ai nói gì thì tôi mặc kệ. Vợ tôi không mê cafe nhậu nhẹt, cũng không mê đề đóm. Chỉ mỗi tối sáng đi chợ là nhất định phải có món gì mang về cho riêng mình làm đẹp, đa số là quần áo, đôi khi mua khong mặc mà cho người thân.
Phụ nữ hay nam giới thì cũng có người nọ người kia. Ngày xưa lương hai vợ chồng còn chưa chắc đủ tiêu, chợ búa chủ yếu do phụ nữ lo nên chồng cần đưa hết tiền cho vợ.
Ngày nay, chi tiêu cho ăn uống chỉ chiếm một phần trong thu nhập của gia đình, chênh lệch giữa xài sang và tiết kiệm cũng rất lớn nên vợ chồng cần thống nhất về mức chi tiêu, khoản tiết kiệm cần bỏ ra.
Về việc sử dụng khoản tiết kiệm, đầu tư vào cái gì cũng nên do người có kiến thức đầu tư quyết định chính. Tuy nhiên, quyết định gì cũng cần tham khảo, thống nhất với nhau, công khai thu nhập, các khoản đang có thì ai giữ tiền cũng vậy.
Một số độc giả cho rằng cách tốt nhất để quản lý tài chính gia đình là tiền ai nấy giữ và thành lập một quỹ chung để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng:
Hai vợ chồng cùng chia sẻ chi phí của gia đình, còn lại sẽ là "quỹ đen" của mỗi người. Như vậy sẽ có hai cỗ máy kiếm tiền trong gia đình cùng vận hành. Có thể bên nhiều bên ít, nhưng quan trọng là đều hết mình vì gia đình, luôn cập nhật tình hình thông tin tài chính hỗ trợ nhau, thậm chí có vay có mượn qua lại, hỗ trợ kỹ thuật và thời gian qua lại để hai cỗ máy cùng hoạt động trơn tru.
Như vậy không ai bị bỏ lại đằng sau, không ai phải chê người này lười, người kia ít việc vì mỗi tháng phải đảm bảo những phần chi phí cố định theo khả năng của mình. Như vậy cũng không dám vung tay quá trán, và tính toán nguồn lực tài chính của bản thân thường xuyên.
Hãy xác định, tiền bạc là để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tiền tích luỹ là khi cần lo cho con trong tương lai. Khi cần thực hiện dự án lớn thì họp bàn cân đối huy động tài chính.
Có một điều không phải ai cũng biết: Chỉ người nào trực tiếp làm ra tiền thì mới quản lý đồng tiền đó theo ý họ muốn thôi. Còn đưa người khác quản lý thì họ sẽ quản lý theo tư duy và nhu cầu của họ. Liệu cơm gắp mắm là cả một hình thức đánh đổi nhọc nhằn với lượng tiền ít mà nhu cầu thì phải đầy đủ.
Con người không phải cứ chừng đó là được đâu, bạn cứ nghĩ ngày này qua ngày khác ngồi tính toán tiêu xài trong chừng đó. Tăng thu nhập cho đến khi thoải mái, cái ngưỡng là 30 triệu chẳng hạn. Chứ chưa đạt ngưỡng mà bảo dư ra trong khi đang có nhu cầu thì khó ai dừng được lắm. Tiền ít thì phải chịu thôi chứ đừng mong dư nếu không làm tăng thêm thu nhập.
Còn phụ nữ mà không mua sắm thì không phải là phụ nữ. Họ sống một mình cho khoẻ thiếu đủ gì họ chịu khỏi ai nói ra vào. Còn không tiền ai nấy giữ góp gạo thổi cơm chung thế thôi.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.