Gần ba tháng trước khi thi, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ chọn ngẫu nhiên ba môn thi kèm ba môn bắt buộc: Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ. Lý giải cho chính sách này là: khi biết trước môn thi tốt nghiệp, học sinh sẽ bỏ bê các môn còn lại, sinh ra học lệch.
Nhưng trái với kỳ vọng, chúng tôi chỉ tập trung vào ba môn thi đại học (theo phân ban A, B, C, D) rồi chờ "kết quả xổ số" được công bố để học cấp tốc. Thời khóa biểu chỉ còn 6 môn tốt nghiệp, "xóa sổ" các môn còn lại dù vẫn đang trong chương trình chính khóa.
Điều làm tôi buồn bã nhất không phải những đêm thức trắng nhồi nhét kiến thức của ba năm vào ba tháng mà là cảm giác chán nản khi việc học của bản thân được quyết định bởi một "vòng quay định mệnh" nào đó.
Sau 14 năm (2000-2013), chính sách thi xổ số biến mất cùng sự bất cập của nó. Kỳ thi tốt nghiệp không còn bị quàng thêm cái ách là chốt kiểm tra cho việc học toàn diện tất cả các môn nữa. Trách nhiệm ấy phải được thực thi tại lớp, suốt ba năm, trong từng giờ học, môn học (cả ở những môn bị gạt khỏi danh sách phải thi như Tin học, Công nghệ), chứ không nằm gọn trong một kỳ sát hạch diễn ra vỏn vẹn ba ngày.
Từ 2015, học sinh chỉ còn thi bốn môn, với ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ cùng một môn tự chọn (để đủ số môn cho việc xét tuyển cả đại học). Giảm số môn thi là một bước tiến lớn, giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội, nhưng quan trọng hơn là trao quyền tự quyết để học sinh tự vạch ra lộ trình cá nhân hóa định hướng vào Đại học.
Năm 2025, phương án thi tốt nghiệp mới được công bố, giữ nguyên số môn, môn Ngoại ngữ không còn bắt buộc nên sẽ có đến hai môn tự chọn, đã lập tức bị đặt câu hỏi: việc dạy - học Ngoại ngữ (mà đa số là tiếng Anh) có bị ảnh hưởng xấu hay không?
Nhìn từ quá khứ, câu trả lời của tôi là: Không. Việc dạy - học một môn học phải được đánh giá xuyên suốt quá trình học tập bằng nhiều dạng thức, chứ không thể trông cậy vào 90 phút trong phòng thi. Nếu coi 90 phút ấy là chốt chặn cuối cùng như trước kia, người học sẽ không thiếu chiêu trò để qua môn, từ đó tước đoạt đi ý nghĩa của học tập.
Trong thiết kế chính sách, ngoài kiểu cưỡng ép (tiếng Anh phải là môn thi bắt buộc) còn kiểu chính sách "cú hích". Thuật ngữ này được hai khoa học gia đoạt giải Nobel Richard Thaler và Cass Sunstein dùng để chỉ các chính sách tuy không kiểm soát ngặt nghèo hành vi của đối tượng nhưng lại tạo ra hiệu quả thay đổi nhận thức sâu sắc trong cộng đồng. Ví dụ, thay vì gửi thông báo cảnh cáo đến hạn nộp thuế, chính phủ có thể gửi thư cập nhật rằng 90% công dân ở khu bạn sống đã nộp thuế đầy đủ, hãy nhanh nộp thuế để khu vực này sớm thành khu vực tiêu biểu hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Bộ đã thực hiện chính sách cú hích, là miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh cho thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0. Chính sách này chứng minh hiệu quả khi năm 2023 có gần 47.000 thí sinh đăng ký miễn thi (chiếm 4,5% toàn quốc), tăng so với 35.000 thí sinh năm 2022. Dù tiềm ẩn lo ngại nhất định về bất bình đẳng giáo dục, chính sách này chứng minh rằng "bắt buộc thi" không phải lựa chọn duy nhất để đảm bảo chất lượng dạy - học tiếng Anh ở bậc phổ thông.
Để thật sự có cú hích cho môn tiếng Anh, Bộ khó lòng dựa vào một (vài) chính sách đơn lẻ nhưng quay về với chính sách bắt buộc trước kia là không phù hợp với bối cảnh gần như toàn dân đã ý thức được con em chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc ganh đua kinh tế toàn cầu nếu thiếu tiếng Anh. Bài kiểm tra đó mới thật sự khắc nghiệt và không thể trốn tránh.
Tranh cãi về môn tiếng Anh đã che lấp điểm sáng của kỳ thi tốt nghiệp 2025 - là học sinh có đến hai môn để tự chọn. Thay vì mắc kẹt với lối phân ban rạch ròi tự nhiên & xã hội, giờ các em có thể thoải mái lựa chọn tổ hợp mà mình yêu thích và biến nó thành nền tảng để theo đuổi bậc đại học.
Thí sinh đăng ký ngành Công nghệ thông tin có thể thi tổ hợp Toán - Văn - Giáo dục kinh tế và pháp luật - Tin học, vừa phát huy chuyên môn về thuật toán, vừa hiểu thêm về xã hội để tạo ra các sản phẩm có trách nhiệm với cộng đồng. Thí sinh này sẽ tự hoàn thiện năng lực tiếng Anh khi nhận ra các tài liệu chuyên ngành công nghệ quan trọng đều bằng tiếng Anh.
Thí sinh đăng ký ngành Kinh tế học có thể thi tổ hợp Toán - Văn - Sử - Địa. Thật khó để phát triển tư duy kinh tế học khi thiếu hiểu biết toàn diện về con người -trung tâm của các hành vi kinh tế - trong không gian và thời gian. Việc này khác xa với định kiến của thời trước về khối Văn - Sử - Địa thì không đủ khả năng thi ngành kinh tế.
Với 39 tổ hợp khả thi, thí sinh và trường đại học có cơ hội tìm ra định hướng phù hợp với những thay đổi lớn trong cơ cấu ngành nghề và yêu cầu liên ngành cao hiện nay, mở rộng tiềm năng cho hướng nghiệp và phát triển cá nhân theo đúng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để thật sự tạo ra cú hích, đề thi mẫu (dự kiến công bố cuối năm 2023) phải thể hiện được việc đánh giá năng lực, thay vì nội dung, của học sinh. Các trường đại học sẽ dựa vào đó mà thiết kế các phương án tuyển sinh đồng bộ với chính sách của Bộ rồi xã hội dần dần thay đổi nhận thức về vai trò và ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp.
Trao quyền tự quyết nhiều hơn cho học sinh, mở rộng các lựa chọn khả thi để đáp ứng biến động liên tục của xã hội hiện đại - đó là cú hích mà cả nền giáo dục Việt Nam đang cần, chứ không chỉ cho một cuộc thi.
Lang Minh