Nhà bác không quá dư dả nhưng cũng đủ trang trải học phí IELTS trực tiếp với người bản xứ, còn nhà hàng xóm thì phải vay tiền.
Cháu tôi thi khối A1: Toán - Lý - Anh. Có chứng chỉ IELTS 5.5 là tương đương 10 điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Ôn khẩn cấp trong năm lớp 11 là đủ. Năm lớp 12 thì toàn lực ôn hai môn Toán và Lý. Đó là công thức đảm bảo đỗ đại học khi cuộc cạnh tranh vào các trường công lập hàng đầu ngày càng quyết liệt.
Trong năm 2023, tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), khoảng 11.000 hồ sơ đăng ký có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; tăng gấp 220 lần so với năm 2017 (50 hồ sơ). Trong đó khoảng 70% thí sinh đạt xét tuyển từ 6.5 trở lên, chủ yếu ở mức 7.0.
Một con số thống kê đáng chú ý từ NEU là: Những sinh viên tuyển đầu vào bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đầu tiên đã ra trường, sau khi tổng kết, điểm trung bình học tập của nhóm này cao hơn nhóm thí sinh không có chứng chỉ IELTS. Nhóm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh được đánh giá "có khả năng học, đạt kết quả tốt trong quá trình đào tạo".
Đây không phải là một nhận định cá biệt. Nhiều trường đại học qua các năm, đã sử dụng những thống kê tương tự, cố gắng chỉ ra rằng có quan hệ nhân quả giữa việc đạt chứng chỉ IELTS và có kết quả học tập tốt ở trường đại học.
Suy luận này gợi tôi nhớ đến một vấn đề kinh điển trong thống kê: sự nhầm lẫn giữa quan hệ nhân quả và quan hệ tương quan, hay còn được gọi là "hiệu ứng Mozart".
Tờ New York Times từng viết: "Các nhà nghiên cứu xác định rằng nghe Mozart quả thật làm bạn thông minh hơn". Ảnh hưởng của nghiên cứu này lớn đến nỗi năm 1998, thống đốc bang Georgia quyết định sẽ phát miễn phí một CD nhạc cổ điển cho mỗi trẻ em mới sinh. Các ông bố, bà mẹ bắt đầu mua đĩa nhạc cổ điển cho con mình nghe từ nhỏ, thậm chí từ khi em bé còn nằm trong bụng mẹ.
Tuy vậy nghiên cứu gốc chỉ dừng lại ở khẳng định rằng nhạc Mozart giúp học sinh tư duy tốt hơn trong một thời gian ngắn và không có mối quan hệ lâu dài giữa nhạc cổ điển và tư duy học tập.
Tại sao xã hội lại có xu hướng vội vã và vui mừng khi kết nối hai biến số xa lạ với nhau: nghe nhạc cổ điển và kết quả học tập tốt hơn?
Theo các nhà thống kê, nghe nhạc cổ điển và học tập tốt chỉ có quan hệ tương quan (tức là các gia đình cho nghe nhạc cổ điển thì con sẽ thường có điểm số học tập cao hơn) chứ không phải quan hệ nhân quả (nghe nhạc cổ điển là nguyên nhân dẫn đến điểm số học tập cao hơn).
Chìa khóa để giải mã là tồn tại một biến ẩn (hidden variable). Những gia đình có kinh tế tốt sẽ đầu tư nhiều vào giáo dục, mua nhiều sách tham khảo, cho con đi học thêm nhiều hơn. Điều này dẫn đến điểm số của học sinh cao hơn. Những gia đình đó cũng có nhiều khả năng sẽ nghe những thể loại nhạc cao cấp như nhạc cổ điển, nhạc thính phòng.
Nhạc cổ điển là một cái cớ đủ khách quan và hấp dẫn để che đi mối quan hệ bất bình đẳng giáo dục trong thu nhập giữa các hộ gia đình.
Quay lại với điểm số IELTS, tôi chưa tìm thấy một nghiên cứu giáo dục uy tín nào khẳng định mối quan hệ nhân quả tỷ lệ thuận giữa kết quả thi IELTS và năng lực học tập ở bậc đại học. Nếu có, các trung tâm luyện thi IELTS đã quảng bá và các trường đại học đã nhân rộng toàn quốc mô hình này.
Tựu trung lại, con số thống kê ở trên đang giấu đi biến ẩn về "kinh tế gia đình", thứ đang diễn ra mà lại bị tảng lờ, không bàn đến.
Điểm mù thống kê này cũng gây ra một cuộc tranh luận lớn tại Mỹ: liệu có duy trì việc sử dụng điểm bài thi tiêu chuẩn SAT làm tiêu chuẩn vào các trường đại học ở Mỹ hay không, khi mà các gia đình giàu có đầu tư rất nhiều tiền cho con luyện thi để có điểm SAT cao hơn con cái của các gia đình thu nhập thấp. Những người phản đối kỳ thi này cho rằng có điểm SAT cao chẳng khác gì tuyên bố "Tôi giàu lắm đấy, hãy tuyển con tôi đi".
Sâu xa hơn, tác giả Kathryn Paige Harden trên tờ The Atlantic còn chỉ ra rằng, SAT không phải một bài thi không công bằng. Nó chỉ tấm màn để vén lộ ra một xã hội không công bằng mà thôi. Vứt bỏ phép đo không giải quyết được những bất công tiềm ẩn trong cơ hội học tập của trẻ em, cũng giống như việc vứt bỏ nhiệt kế sẽ không làm thay đổi thời tiết.
Cuối bài, Harden đặt ra một câu hỏi hóc búa: Việc tập trung hoàn toàn vào những học viên "xứng đáng" giành chiến thắng trong cuộc thi tuyển sinh đã bỏ qua câu hỏi trọng yếu về nguyên tắc thiết kế ra một cuộc thi (dành cho toàn quốc): Chúng ta, như một cộng đồng, đang nợ các học sinh không giành chiến thắng trong cuộc đua học thuật, hoặc không được dự phần lợi ích từ cuộc đấu giành ngôi vương này, những gì?
Dù tiếng Anh là một công cụ quan trọng và bất bình đẳng giáo dục là một vấn đề khó giải quyết đến cùng, thì các trường - trong khi ưu tiên sử sụng IELTS để tuyển sinh - không nên thần thánh hóa tác dụng của IELTS nhằm khỏa lấp đi vấn đề xã hội chưa có lời giải cuối.
Lang Minh