Theo báo cáo mới công bố của Grant Thornton về triển vọng đầu tư tư nhân ở Việt Nam, tỷ lệ các nhà đầu tư có cái nhìn tích cực về tình hình kinh tế trong nước 12 tháng tới đã tăng nhẹ so với quý 4/2012, đạt 27% nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nhận định tiêu cực và trung lập chiếm đa số cho thấy tình hình đầu tư tư nhân vẫn còn ảm đảm.
Tuy vậy, báo cáo của Grant Thornton chỉ ra điểm sáng của kinh tế Viêt Nam những tháng đầu năm chính là sự gia tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 41% nhà đầu tư được hỏi cho rằng Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư so với các quốc gia khác do chi phí nhân công thấp, dân số ở độ tuổi lao động tăng lên mặc dù tình hình kinh tế khá ảm đạm.
Ông Ken Atkinson - Giám đốc Điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định: "Các số liệu kinh tế gần đây cộng với môi trường pháp lý và tình hình nợ xấu đã làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Tuy nhiên, dòng vốn FDI mới chảy vào Việt Nam cùng với việc bình ổn lạm phát được coi như những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế", ông Ken Atkinson - Giám đốc Điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định.
Điều này thể hiện qua tỷ lệ nhà đầu tư dự định gia tăng mức phân bổ đầu tư vào Việt Nam tăng nhẹ, đạt 45%. Hãng tư vấn này đánh giá, chính cuộc khủng hoảng tài chính Châu Âu và sự suy yếu của đồng đô la Mỹ là nhân tố chính làm gia tăng các hoạt động đầu tư tư nhân ở Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Y tế và dược phẩm vẫn hai lĩnh vực nóng nhất, sau đó là giáo dục, bán lẻ và bất động sản. Theo những đơn vị tham gia khảo sát, sự quá tải của các bệnh viện cùng với nhu cầu chuyên môn ngày càng cao và sự thuận lợi về dân số đã tạo ra cơ hội hấp dẫn nhà đầu tư.
Với lĩnh vực bán lẻ, hiện Việt Nam được RNCOS -Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu xếp thứ 4 trong các thị trường tiềm năng bởi sự cho phép thành lập các công ty phân phối và bán lẻ 100% vốn nước ngoài.
Ngoài ra, hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2013 khi nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính và bắt buộc phải chuyển nhượng các công trình của họ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có chiến lược lâu dài. Nhật Bản, Singapore và Malaysia sẽ là nhà đầu tư tiềm năng lớn với Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những điểm gây khó khăn với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 82% các nhà đầu tư cho rằng tham nhũng và nạn quan liêu đang là những trở ngại chính. Hệ thống pháp lý cũng trở thành mối quan tâm đáng lo ngại với 78% số nhà đầu tư chọn, tăng lên 5% so với khảo sát trước.
"Mặc dù Chính phủ đã biết đến vấn đề này và có những cố gắng trong việc cải cách pháp luật và thủ tục hành chính nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập", báo cáo nêu.
Cùng với đó, hơn 80% các nhà đầu tư tham gia khảo sát cũng cho rằng khả năng tiếp cận vốn vay tại Việt Nam là rất khó hoặc tương đối khó khăn, trong khi dòng tiền được xem là mạch máu của mọi doanh nghiệp. Hạn chế về nguồn tiền có thể khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động cho dù đang hoạt động khả thi và có lời.
Grant Thornton cũng khuyến nghị Việt Nam sẽ ngày càng chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực trong thu hút đầu tư, khi tỷ lệ chọn Indonesia và Myanmar gđều gia tăng so với lần khảo sát quý 4/2012.
Huyền Thư