Theo đó, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) thành lập trước ngày Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực (1/7/2006) sẽ không bắt buộc phải đăng ký lại mà có thể lựa chọn không đăng ký hoặc đăng ký tại bất kỳ thời điểm nào thích hợp.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc sửa đổi khoản 2, điều 170 của Luật doanh nghiệp bắt nguồn từ số lượng doanh nghiệp nước ngoài thực hiện đăng ký lại theo Luật đến nay quá ít. Thống kê cho hay, đến hết tháng 12/2012, chỉ khoảng 3.000 trong tổng số 6.000 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài hoàn thành thủ tục đăng ký lại. Riêng TP HCM có tới 800 đơn vị, trong đó có 27 công ty hết thời hạn hoạt động từ năm 2012.
Theo quy định, nếu không đăng ký lại, doanh nghiệp không được bổ sung ngành nghề kinh doanh, không được gia hạn dự án đầu tư và chỉ được hoạt động trong thời hạn quy định tại giấy phép đã được cấp trước đây (phổ biến là 20 năm). Kết thúc thời hạn này, các doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động hoặc giải thể.
Do đó, cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi Luật sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước đây, khoản 2 điều 170 Luật doanh nghiệp 2005 quy định, các doanh nghiệp nước ngoài được thành lập và cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1/7/2006 phải đăng ký lại trong thời hạn 5 năm để phù hợp với những nội dung mới. Tuy nhiên, khảo sát tại thời điểm năm 2009, chỉ 2-3% doanh nghiệp tiến hành đăng ký lại, do vậy Quốc hội chấp thuận gia hạn thêm 3 năm, hạn chót là 1/7/2014.
Mặc dù đã được gia hạn nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn không thể hoàn thành đúng thủ tục, dẫn đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có tờ trình lên Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật và được thông qua tại phiên họp cuối tháng 4/2013. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, trong kỳ họp Quốc hội thứ 5 khai mạc đầu tuần sau, việc sửa đổi sẽ chính thức được thông qua.
Huyền Thư