Trao đổi với VnExpress.net, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: "Năm nay chưa thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết Quốc hội. Thời điểm này có thể lùi lại ít nhất 2-3 năm nữa và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc này".
Về lộ trình, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, cuối năm nay Việt Nam mới thẩm định báo cáo khả thi và chọn phương án công nghệ, xác định địa điểm xây dựng nhà máy, làm hồ sơ mời thầu thiết kế để sau năm 2015 sẽ đấu thầu. Tiếp đến là đấu thầu đầu tư xây dựng rồi bắt đầu thi công, nghiệm thu và khởi động nhà máy.
"Vì nâng cao yêu cầu an toàn nên tiến độ phải chậm lại so với dự kiến, có thể phải đến 2025 tổ máy đầu tiên mới đi vào hoạt động", ông Quân nói.
Trước quyết định trên, nhiều chuyên gia nguyên tử cho rằng, việc lùi thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên sẽ giúp Việt Nam có thêm thời gian để chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo, nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng, thông thường việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mất 10-15 năm kể từ giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian không phải vấn đề chính, mà Việt Nam cần làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng.
"Việt Nam không nên quá vội vàng, gấp gáp, vì đây là dự án lớn với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân", ông Yukiya Amano nói.
Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, với sự giúp đỡ của Nga. Còn nhà máy thứ hai sẽ do Nhật Bản xây dựng. Trong đó theo dự kiến ban đầu, Ninh Thuận 1 xây dựng năm 2014 và bắt đầu hoạt động năm 2020.
Hương Thu