Ông Nobuaki Sato - Trưởng đoàn chuyên gia Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC) cho biết thảo luận tập trung vào ba vấn đề chính: đánh giá tác động môi trường; quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành; và quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn.
Các vật liệu phóng xạ tự nhiên và nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu. Các chất thải dạng rắn, khí, lỏng có tính bức xạ và phi bức xạ phát sinh trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần phải được kiểm soát chặt chẽ và quản lý một cách an toàn, nhằm đảm bảo cho công chúng và môi trường được bảo vệ một cách bền vững.
Theo Phó Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển điện hạt nhân là một trong những ứng dụng then chốt của phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước.
Bên cạnh hội thảo, việc triển lãm các mô hình sản phẩm cũng như giải đáp thắc mắc của cư dân địa phương đã diễn ra, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của JEPIC và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC).
Hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận với sự hợp tác của các đối tác Nga và Nhật Bản.
Sơn Ninh