Quyết định nêu rõ việc thông tin, tuyền truyền phát triển điện hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo ra nhận thức, hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần duy trì nâng cao đồng thuận công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cũng như cho sự phát triển điện hạt nhân bền vững.
Theo Đề án này, các nội dung thông tin tập trung vào chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân; định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 ở Việt Nam; Đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế-xã hội của điện hạt nhân; lịch sử, thành tựu, kinh nghiệm, tình hình và xu hướng phát triển của điện hạt nhân trên thế giới; Sự cần thiết phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các cơ chế, chính sách di dân, tái định cư, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động phục vụ dự án.
Kinh phí 200 tỷ đồng được chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015 khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 150 tỷ đồng. Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm lập dự toán kinh phí phần ngân sách Trung ương gửi Bộ tài chính xem xét và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ.
Riêng kinh phí xây dựng, vận hành Trung tâm quan hệ công chúng Dự án điện hạt nhân Ninh thuận và các hoạt động thông tin truyên truyền theo trách nhiệm của chủ đầu tư không tính vào kinh phí của đề án và được hạch toán vào Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì đề án, có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành địa phương tổ chức thực hiện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nhiệm vụ xây dựng và vận hành Trung tâm quan hệ công chúng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trực tiếp phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền tại tỉnh Ninh Thuận, khu vực miền Trung và trong cả nước.
Tân Trung