Theo nghị quyết được 77% đại biểu thông qua, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm khởi công chưa được xác định mà căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định sau.
Nghị quyết Quốc hội nêu rõ chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư dự toán 200.000 tỷ đồng.
Nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Ảnh minh họa: Neftriplecrungch. |
Khẳng định dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là công trình quốc gia ở cấp đặc biệt, lần đầu tiên được xem xét xây dựng ở Việt Nam, vì vậy sau khi giao Chính phủ quyết định đầu tư và triển khai dự án, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện 9 đầu việc.
Trong đó nhấn mạnh Chính phủ phải tính toán thiết kế công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất; nghiên cứu đánh giá đầy đủ các tác động của đứt gãy kiến tạo địa chất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án; lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Nhà thầu được lựa chọn phải có kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều dự án nhà máy thủy điện hạt nhân, có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân để tham gia xây dựng đảm bảo chất lượng và vận hành nhà máy, kiểm tra, giám sát và đánh giá về an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành; nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, trữ lượng, khả năng khai thác, chế biến và nhu cầu sử dụng lâu dài urani trong nước...
Trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về kết quả chuẩn bị. Sau khi triển khai đầu tư dự án, hằng năm Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện.
Trước đó, tại buổi thảo luận tổ và hội trường, rất nhiều đại biểu lo lắng về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi phần lớn Việt Nam phải dựa vào nước ngoài, từ nhân lực, nguyên liệu, vốn đầu tư (75-85% phải vay), đến thiết bị công nghệ. Đa số ý kiến ủng hộ trước mắt chỉ xây một nhà máy để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị nhân lực, cũng như giảm gánh nợ quốc gia.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải giải trình và khẳng định điện hạt nhân là lựa chọn thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh than đang cạn, dầu khí cạn rất nhanh và cho đến giờ không có thêm năng lượng thay thế. Mua điện nước ngoài không được nhiều và ngày càng đắt đỏ, năng lượng tái tạo như gió, mặt trời cũng chỉ khai thác được khoảng 1.000 MW.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Lai Châu. Theo đó, công trình được đặt tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, công suất 1.200 MW gồm 4 tổ máy. Tổng dự toán hơn 32.500 tỷ đồng.
Hồng Khánh