Nguồn tiền 2,75 triệu USD được lấy từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản, một sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ nước này và World Bank. Dự án lần này nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch và các tình huống y tế khẩn cấp khác trong cộng đồng tại Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Long An.
Ông Rahul Kitchlu, Quyền giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho biết, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tuyến đầu chống dịch. Covid-19 đang cho thấy một số khó khăn của hệ thống này và sự cần thiết phải nâng cao năng lực cho tuyến cơ sở. "Hệ thống ứng phó Covid-19 của một quốc gia cần đảm bảo hiệu quả ở tất cả các cấp", ông nói.
Dự án sẽ tập trung tăng cường năng lực của các trạm y tế xã thông qua hỗ trợ một số trang thiết bị cơ bản và cung cấp các kỹ năng cần thiết. Điều này sẽ giúp nhân viên y tế phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh, điều tra dịch tễ tốt hơn đồng thời giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Dự án cũng sẽ giúp duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu trong thời kỳ dịch bệnh.
Một yếu tố đổi mới của dự án là can thiệp thí điểm để giải quyết nhu cầu của nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, gồm: người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, người nhiễm HIV, người sử dụng ma tuý, gái mại dâm. Những người này sẽ được cung cấp thông tin, biện pháp phòng ngừa Covid-19, hỗ trợ tâm lý, vật chất (bao gồm: thực phẩm, thuốc men, thiết bị bảo hộ).
Theo World Bank, ước tính 270.000 người sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án, trong đó, ít nhất 3.500 người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.
Thời gian của dự án là trong 3 năm (đến tháng 12/2024) bởi ngoài vấn đề Covid-19, dự án còn hướng tới nâng cao nhận thức, thúc đây thay đôi hành vi trong công tác chuẩn bị, ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Đức Minh