VnExpress giới thiệu ý kiến của TS Đinh Trường Hinh, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank ở Washington D.C, về việc Việt Nam có thể tăng chi tiêu tài chính như thế nào để ứng phó với Covid-19 mà không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.
Việt Nam đã chi bao nhiêu cho Covid-19?
Tính đến giữa tháng 7, theo số liệu của IMF, Việt Nam đã chi rất ít ngân sách cho Covid-19, ít nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế hoặc thậm chí so với các nước ở mức phát triển thấp hơn.
Biểu đồ dưới đây cho thấy chi tiêu này của Việt Nam nằm trong những mức thấp nhất trên thế giới. Trong năm 2020, Việt Nam đã chi khoảng 1,5% GDP cho các biện pháp đối phó Covid-19 có tác động đến ngân sách so với 4% của các nền kinh tế mới nổi và 1,6% của các nước thu nhập thấp.
Trong số đó, theo nguồn số liệu từ IMF, 84% được trao cho các doanh nghiệp, phần lớn dưới hình thức hoãn thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thuê đất. Năm 2020, việc hỗ trợ cho các hộ gia đình có khoảng 12.700 tỷ đồng tiền mặt trực tiếp (tương đương 564 triệu USD, chiếm 0,2% GDP), tức khoảng 5,6 USD một người - con số cũng rất khiêm tốn này cũng chỉ dành cho một số người nghèo được chọn lọc.
Dữ liệu này phản ánh tình hình tính đến tháng 3/2021 (tức là trước khi làn sóng lây nhiễm hiện tại diễn ra). Dữ liệu được cập nhật đến tháng 6/2021của IMF cũng cho thấy chưa có nhiều khác biệt.
Không những vậy, mức giải ngân thực tế cho các hộ gia đình còn thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Chỉ 31% số tiền dành cho hỗ trợ hộ gia đình được thực hiện, so với 42% dành cho doanh nghiệp. Điều này đáng lo ngại vì trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, người lao động trong khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, đặc biệt là trong thời gian ngừng hoạt động vì việc làm bị phá hủy, tiết kiệm hạn chế và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính khó khăn.
Tăng gấp đôi các hỗ trợ tài chính (Tăng chuyển tiền trực tiếp gấp 15 lần)
Mức chuyển tiền trực tiếp hiện tại cho người dân của Việt Nam hiện tương đương 0,2% GDP. Vậy nếu tăng gấp 15 lần, triển vọng bền vững về nợ này sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Chi tiêu tài chính cho Covid-19 có tác động đến ngân sách vào năm 2020 là 1,5% GDP. Nếu tăng mức chi này lên 3% GDP vào năm 2021 và 2022, thâm hụt ngân sách chính sẽ tăng từ 3,4% và 3,1% trong tình huống cơ bản đến 6,4% và 6,1%.
Động lực nợ sẽ như thế nào và điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến tính bền vững nợ?
Theo chúng tôi tính toán ở biểu đồ dưới đây, kịch bản này vẫn giữ sự bền vững tài chính cho Việt Nam, với tỷ lệ nợ công trên GDP tăng từ 46,6% cho năm 2020 lên đến 53% GDP cho năm 2022 (vẫn dưới ngưỡng 65%) và giảm dần sau đó xuống dưới 50% vào năm 2025.
Tất nhiên, điều này giả định rằng tất cả các chính sách khác vẫn đi đúng hướng như trong các trường hợp tình huống cơ bản mà IMF đã áp dụng. Ví dụ, nếu các khoản nợ tiềm tàng (dưới dạng các khoản lỗ của các doanh nghiệp nhà nước) bị tăng lên, chính sách tài chính sẽ cần phải tìm ngay các nguồn thu thay thế, chẳng hạn tư nhân hóa một vài doanh nghiệp công.
Dự kiến các biến số vĩ mô trong tình huống cơ bản
Kịch bản cơ sở | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 |
Nợ công gộp (% trên GDP) | 42,4% | 46,6% | 47,7% | 47,4% | 46,7% | 45,8% | 44,6% |
Tốc độ tăng trưởng GDP | 7% | 2,9% | 6,5% | 7,2% | 7% | 6,8% | 6,6% |
Lạm phát | 1,9% | 1,3% | 2,4% | 4,1% | 4,3% | 4,7% | 4,5% |
Động lực nợ tự động | -1,1% | 0,2% | -2,3% | -3,4% | -3,3% | -3,3% | -3% |
Thay đổi tỷ lệ nợ | 0,7% | 4,2% | 1,1% | -0,3% | -0,6% | -1% | -1,2% |
Kịch bản này thể hiện vị thế bền vững của tài chính công, khi tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn dưới ngưỡng 65%. Sau khi đạt mức cao nhất (48%) vào năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống thấp hơn cho năm 2025 so với năm 2020.
Trong tất cả các biện pháp tài chính mà Chính phủ thực hiện được liệt kê trong Bảng 1, chuyển tiền mặt trực tiếp vẫn là chính sách cấp thiết và quan trọng nhất để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức (đặc biệt là các ngành dịch vụ: bán hàng rong, quán cà phê, nhà hàng, giao thông vận tải). Đây là khu vực mà người lao động dễ bị ảnh hưởng xấu nhất bởi dịch.
Tuy nhiên, đại đa số người nghèo không sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận tiền nên việc kiểm soát giải ngân thường gặp khó khăn. Hiện một số các nước đang dùng điện thọai di động để chuyển tiền theo cách này. Hơn nữa, Việt Nam hiện đã có thẻ căn cước công dân gắn chip, có thể làm được việc chuyển tiền này một cách minh bạch và công bằng. Phân tích trên cho thấy rằng lượng tiền mặt chuyển trực tiếp có thể tăng lên theo hệ số 15 mà không ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Làm sao để tài trợ cho việc chi tiêu thêm này?
Chính phủ nên vay trong nước hay nước ngoài? Trong phân tích hiện đại, vay nợ trong nước hay ngoài nước không khác nhau nhiều và phụ thuộc vào tình trạng phát triển thị trường tài chính của quốc gia đó. Nếu một nước có thị trường tài chính tốt, việc vay nợ trong nước có thể ý nghĩa hơn trong khi nếu thị trường tài chính còn sơ khai, có thể không nhiều lựa chọn khác ngoài việc vay nợ nước ngoài. Một cách khác là thu nhập từ việc phát hành tiền (seigniorage). Kịch bản trên về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tốc độ cầu tiền cho thấy việc dự thu khoảng 1,4% GDP vào năm 2021 có thể được tận dụng.
"Việt Nam phải tận dụng dùng khoản phân bố 650 tỷ USD SDR mới được IMF tạo ra để hỗ trợ sự phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Vẫn còn sớm để tìm hiểu số SDR mới này sẽ được phân bổ như thế nào cho các nước thành viên IMF, nhưng có thể Việt Nam sẽ nhận được một khoản tiền tương ứng với hạn ngạch của mình trong Quỹ (khoảng 2 tỷ USD).
Số tiền này Việt Nam không phải trả lại và cũng không đi kèm theo với những điều kiện về các chính sách kinh tế như thông thường khi đi mượn nợ từ các cơ quan quốc tế. Ngân hàng nhà nước chỉ cần phát tiền cho chính phủ mà thôi.
Ngân sách sẽ tăng rất nhanh dưới những điều kiện nào?
Các biến số quan trọng với khả năng thanh toán nợ và tính bền vững nợ là tỷ lệ tăng trưởng GDP và tỷ lệ lãi suất. Chỉ riêng việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP (2 điểm phần trăm trong giai đoạn 3 năm 2021-2023) sẽ không gây ra nhiều vấn đề. Ở kịch bản này, tỷ lệ nợ tăng lên trên 55% năm 2023, nhưng giảm xuống dưới 50% GDP vào năm 2025.
Điều đáng lo ngại là nếu kịch bản này kết hợp với việc tăng lãi suất, có thể là do các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát. Một kịch bản khác, trong đó tăng trưởng GDP giảm và lãi suất được nâng lên, 2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2021-2023 cho thấy là trong trường hợp này, tỷ lệ nợ trên GDP đạt 57% vào năm 2023 và duy trì ở mức trên 53% trong cả giai đoạn, mặc dù xu hướng cho thấy vẫn tiếp tục giảm.
TS Đinh Trường Hinh
* Bài viết tóm tắt nghiên cứu "Việt Nam có thể tăng chi tiêu tài khoá bao nhiêu cho Covid-19 mà vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô", thuộc khuôn khổ của cuốn sách đang viết cho Viện Nghiên cứu PCNS về khủng hoảng Covid-19 với các nước đang phát triển.