Trong "Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu" công bố hôm 5/1, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới giai đoạn 2020 - 2029 xuống 1,9% một năm. Trước đại dịch, họ vốn đã dự báo tăng trưởng giai đoạn này sẽ chậm lại, xuống mức trung bình hàng năm là 2,1%, từ 2,5% thập kỷ trước. Nguyên nhân là dân số già và tốc độ tăng năng suất chậm lại.
World Bank cho rằng sự suy giảm dài hạn của thương mại và đầu tư gây ra bởi đại dịch, cùng sự gián đoạn trong giáo dục đã cản trở việc tăng năng suất lao động. "Trừ khi có một cuộc cải cách đáng kể, chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một thập kỷ với kết quả tăng trưởng đáng thất vọng", Ayhan Kose, Quyền phó chủ tịch World Bank về tăng trưởng công bằng và các tổ chức tài chính, nói.
Với nhóm nước mới nổi và đang phát triển, World Bank cho rằng tăng trưởng trung bình sẽ đạt 3,3% một năm giai đoạn 2020 - 2029, giảm so với mức dự báo 4,0% trước đại dịch và 5,0% trong thập kỷ trước.
"Thế giới không thể chờ đợi tất cả mọi người đều được tiêm vaccine để đưa nền kinh tế toàn cầu chống lại một thập kỷ mất mát. Điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động và tích cực hành động để đón đầu đại dịch", ông Kose nói.
Ông kêu gọi đầu tư để cải thiện công nghệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và môi trường, cũng như cải thiện quản trị và minh bạch nợ, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
World Bank cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4% năm nay, sau khi giảm 4,3% vào năm 2020. Dự báo này thấp hơn 0,2 phần trăm so với tháng 6 năm ngoái, do Covid-19 tái bùng phát và các nước áp hạn chế mới đối với hoạt động kinh tế.
Việc hạ dự báo cho năm 2021 chủ yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế tiên tiến. GDP Mỹ năm nay có thể chỉ tăng 3,5%, giảm từ 4% trong dự báo trước đó. Khu vực đồng euro dự kiến sẽ tăng 3,6%, giảm so với 4,5%.
Các nền kinh tế mới nổi có thể tăng trưởng 5% năm nay, cao hơn dự báo 4,6% trước đó, nhờ động lực từ Trung Quốc. GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới được kỳ vọng tăng 7,9% năm nay, sau khi tăng 2% vào năm ngoái. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy giảm năm 2020.
Việc kinh tế toàn cầu giảm 4,3% năm 2020 được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn một chút so với dự báo, chủ yếu do suy giảm không quá mạnh ở các nước tiên tiến nhờ các biện pháp kích thích, cùng sự phục hồi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế tiên tiến có thể tận dụng lãi suất thấp để huy động vốn cho các biện pháp kích thích, rủi ro nợ lại gia tăng ở các nước mới nổi và đang phát triển. Nhiều quốc gia đã vật lộn với gánh nặng nợ nần trước đại dịch.
Phiên An (theo WSJ)