Chiều tối 13/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị trên, đồng thời đề nghị nước này hỗ trợ Việt Nam cơ cấu lại vốn góp tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; tư vấn quản lý, vận hành, nhất là chuyển đổi số lĩnh vực liên quan tài chính như hải quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán...
Đây là lần thứ hai Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Giữa năm 2022, Thủ tướng từng nêu đề xuất này với ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Tại cuộc gặp hôm nay, Thủ tướng khẳng định luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài, ủng hộ nước này đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Nhật cấp viện trợ ODA song phương hàng đầu, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư thứ ba, đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam. Nhiều công trình, dự án của Việt Nam có sự hỗ trợ của Nhật Bản, trong đó Bộ Tài chính với vai trò đề xuất.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Một số dự án do Nhật Bản đầu tư có vướng mắc đang được tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ. Thủ tướng mong muốn dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023 sẽ có hoạt động thiết thực.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi khẳng định, các đề nghị của phía Việt Nam đều có ý nghĩa. Phía Nhật sẽ nghiên cứu, phối hợp để sớm đưa ra giải pháp khả thi.
Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội vào tháng 6/2010 song không được thông qua. Đầu năm 2022, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ.
Lần này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559 km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách; còn đường sắt Bắc Nam quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng).
Tuy nhiên, tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ thiết kế 250 km/h, khai thác 180-225 km/h.