Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tốc độ thiết kế 350 km/h, đi qua 20 tỉnh, thành với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 67,3 tỷ USD. Dự án này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào 21/10 tới.
Tại họp báo ngày 17/10, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết phía Nhật đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về dự án đường sắt này.
Đại diện JICA gợi ý Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản. Theo đó, trước khi nước này có tuyến đường sắt cao tốc thương mại đầu tiên trên thế giới - Shinkansen - đường sắt truyền thống trải dài khắp lãnh thổ để vận chuyển hàng hóa. Đường bộ phát triển kéo theo chuỗi logistics chuyển qua kênh này để rút ngắn thời gian.
Hiện nay dù đã có đường sắt cao tốc, Nhật Bản vẫn phối hợp nhiều phương thức tùy mục đích. Nếu hàng hóa cần vận chuyển nhanh thì bằng đường bộ, còn khối lượng lớn có thể chọn đường sắt hoặc đường biển.
"Việt Nam có nhiều lựa chọn, có thể phát triển đường sắt tốc độ cao vận chuyển hàng khách, còn hàng hóa tận dụng tuyến đường hiện hữu. Điều này phụ thuộc vào định hướng từ Chính phủ, lợi ích kinh tế cũng như mục tiêu trung hòa CO2, hướng tới Net Zero", ông Sugano Yuichi chia sẻ.
Ông cũng cho hay, nhà chức trách nước này chờ kết quả cuộc thảo luận sắp tới tại Quốc hội Việt Nam, rồi cân nhắc những khả năng hợp tác giữa hai nước trong dự án này.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có tốc độ thiết kế 350 km/h. Tuyến đường này sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu sẽ vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.
Trước đó, tại cuộc tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật cấp khoản vay ODA mới cho dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Về định hướng hoạt động của JICA, ông Sugano Yuichi thông tin trong một năm (từ 4/2023 đến 3/2024), tổ chức này đã ký khoản vốn vay 102,2 tỷ yen (tương đương 678 triệu USD) cho Việt Nam. Số này chưa gồm tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân và là mức cao nhất 6 năm qua.
Tới đây, vốn ODA Nhật Bản sẽ tập trung ở 3 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, dòng vốn này sẽ tập trung vào các dự án về tăng trưởng chất lượng cao. Hiện tổ chức này xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến hoàn thành thời gian tới. Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 TP HCM đang gấp rút hoàn thiện, chạy thử để sớm đưa vào khai thác.
Vốn ưu đãi của Nhật Bản cũng hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương. JICA đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật liên quan đến các biện pháp ứng phó với sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi.
Cuối cùng, theo đại diện JICA, họ sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, thông qua các dự án hợp tác với Trường Đại học Việt – Nhật. Họ cũng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) biên soạn sách chuyên khảo cho sinh viên, cung cấp tổng quan về lịch sử quan hệ hai nước.
Hiện Nhật Bản là đối tác cho vay ODA lớn nhất của Việt Nam. Sau hơn 30 năm, kể từ 1992 đến nay, nước này đã viện trợ trên 2.760 tỷ yen ODA vốn vay (bình quân mỗi năm khoảng 90 tỷ yen). Vốn vay ưu đãi của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.
JICA là cơ quan thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua 3 hình thức hợp tác, gồm kỹ thuật, vốn vay và viện trợ không hoàn lại. Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới với 9 dự án thuộc chương trình "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân" của JICA, sau Brazil.