Theo tính toán của hãng thông tấn Nga TASS, Ukraine nhận được khoản viện trợ quân sự trị giá 48,5 tỷ USD từ phương Tây từ khi Nga mở chiến dịch quân sự cuối tháng 2/2022. Khoản tiền này gần bằng 95% tổng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022 là 51,1 tỷ USD.
Tổng viện trợ mà Ukraine nhận được từ phương Tây và các tổ chức quốc tế kể từ khi chiến sự nổ ra là hơn 150 tỷ USD, TASS tính toán theo tuyên bố của các bên viện trợ và thông tin trên truyền thông. Con số này gấp gần ba lần so với ngân sách của Ukraine trong năm 2022 là 55,5 tỷ USD.
Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Mỹ là bên ủng hộ lớn nhất của Ukraine và phê duyệt khoản viện trợ hơn 100 tỷ USD cho nước này. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát tới nay là hơn 24,9 tỷ USD, trong đó có nhiều loại khí tài như thiết giáp, tên lửa phòng không, pháo phản lực và tên lửa chống tăng.
Pháp tuần trước thông báo chuyển giao một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine. Đức và Mỹ sau đó công bố kế hoạch chuyển xe chiến đấu bộ binh cho Kiev. Đức cũng nêu ý định gửi hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine, bên cạnh các hệ thống Mỹ đã cam kết từ trước.
Giới phân tích quân sự cho rằng các phương tiện chiến đấu mới có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công của Ukraine trong tương lai hoặc bảo vệ họ trước các đợt tấn công mới của Nga.
Trong khi đó, Nga kêu gọi phương Tây ngừng bơm vũ khí cho Ukraine, nhận định viện trợ liên tục chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho dân nước này, thay vì làm thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố "tiềm năng và năng lực quân sự của gần như toàn bộ thành viên NATO đang được sử dụng tích cực để chống lại Nga". Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhận định Nga không chỉ đối đầu với lực lượng Ukraine mà còn cả "toàn bộ tập thể phương Tây".
Nguyễn Tiến (Theo TASS)