Bác sĩ Diệp Hồng Kháng, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh viện tiếp nhận cấp cứu anh Quang, 45 tuổi, ngày 26/7 trong tình trạng sốt cao, đau bụng dữ dội, bụng chướng lớn.
Bệnh nhân có thói quen uống rượu hàng ngày, bụng âm ỉ đau trước đó nửa tháng. Bệnh nhân đến phòng khám tư, được cho thuốc viêm dạ dày. Hết đợt thuốc, anh Quang tự mua thêm uống, đến khi bụng đau quằn quại, mới vào bệnh viện.
Các bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu và chụp CT scan ổ bụng, xác định bệnh nhân bị viêm tụy cấp, thể hoại tử, xuất huyết do tăng mỡ máu. Bệnh nhân diễn biến nặng nhanh, suy hô hấp, suy đa tạng chỉ một giờ sau nhập viện.
Ê kíp cấp cứu tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Máu lọc máu chạy liên tục, lọc hết phần mỡ máu tồn tại, thay huyết tương "sạch", đồng thời dẫn lưu dịch ổ bụng.
Sau 5 ngày điều trị, anh Quang qua cơn nguy kịch, tình trạng suy đa tạng bắt đầu có hồi phục. Bụng bớt đau, đỡ chướng, trung tiện được, sức khỏe ổn định. Bệnh nhân được chuyển về khoa Nội tiêu hóa để tiếp tục điều trị sâu chuyên khoa, song bệnh tái lại nhiều lần, tiên lượng khá dè dặt.
Bác sĩ Kháng cho biết, triệu chứng khởi phát lâm sàng của bệnh viêm tụy cấp diễn ra rầm rộ, song không đặc thù. Người bệnh bị chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị (ngay dưới xương ức), bí trung đại tiện.
"Nhiều bác sĩ và người bệnh dễ nhầm lẫn viêm tụy cấp với đau dạ dày, viêm ruột thừa, tắc ruột... Phải xét nghiệm máu, kết hợp chẩn đoán hình ảnh bằng CT scan tụy mới chẩn đoán đúng bệnh", bác sĩ Kháng nói.
Đại tá, bác sĩ Trịnh Văn Thảo, Trưởng khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp cứu thường gặp. Bệnh xảy ra khi chức năng ngoại tiết của tuyến tụy bị rối loạn. Khi tụy tiết các men (enzim), nhưng không đổ vào ống tiêu hóa để nghiền nát thức ăn mà hoạt hóa ngay trong lòng tuyến tụy, gây viêm và hoại tử.
Viêm tụy cấp có hai thể. Trong đó, 80% bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ, chỉ phù nề và hầu hết đáp ứng điều trị. Nghiêm trọng nhất là thể hoại tử, chảy máu, nguy cơ tử vong từ 25-50%. Đặc biệt, thai phụ nếu bị viêm tụy thể nặng, dù được điều trị tích cực, với các trang thiết bị hiện đại nhất, tại bệnh viện tuyến cuối, tiên lượng tử vong vẫn lên đến 90%.
Ở thể hoại tử chảy máu, lượng men tụy có thể tràn ra ngoài ổ bụng, gây thủng dạ dày, xuất huyết... làm hoại tử ruột, gan, thận... hay hình thành khối áp-xe tại các cơ quan nội tạng xung quanh. Thậm chí, viêm tụy cấp tạo ra cơn "bão cytokine", một phản ứng miễn dịch thái quá của cơ thể chống lại chính cơ thể. Vào đỉnh điểm, "bão cytokine" gây suy phủ tạng, suy hô hấp.
Bác sĩ Thảo nhấn mạnh: "Viêm tụy diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, bệnh nhân luôn cần được theo dõi y tế sát sao".
Theo bác sĩ, bia rượu, sỏi mật, mỡ máu là ba nguyên nhân chính dẫn đến viêm tụy cấp. Xác định được nguyên nhân thì sẽ có hướng điều trị đúng và kịp thời", bác sĩ Thảo nói.
Điều trị nội khoa và hồi sức là phương pháp hiệu quả nhất với bệnh nhân viêm tụy nói chung. Các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, chỉ định dùng thuốc giảm bài tiết của tụy, dẫn lưu dịch ứ trong ổ bụng.
Bệnh nhân nghiện bia rượu phải cai tuyệt đối. Bệnh nhân tăng mỡ máu phải lọc máu, làm sạch mỡ máu. Với các bệnh nhân có sỏi mật, phải can thiệp giải phẫu, lưu thông đường mật.
Tùy vào thể bệnh và tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân mà các bác sĩ quyết định có phẫu thuật hay không. Hiện nay, kỹ thuật hồi sức, lọc máu hiện đại giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp hơn.
Bác sĩ Thảo khuyên người dân nên chủ động chú ý các dấu hiệu sức khỏe bất thường. Khi có các triệu chứng đau bụng, trướng bụng, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, đa khoa để được tầm soát và điều trị bệnh kịp thời. Khám định kỳ sỏi mật, mỡ máu giúp ngăn ngừa nguy cơ viêm tụy.
Bên cạnh đó, thói quen uống rượu bia, ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ phải từ bỏ. Tập thể dục thường xuyên, đều đặn giúp cơ thể và tuyến tụy khỏe mạnh.
Thư Anh