Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh ngày 24/6 đánh giá đây là ca bệnh hiếm gặp, kể cả với tuyến trung ương. Viêm tụy cấp có tỷ lệ được ghi nhận từ 1/1.000 đến 3/10.000 khi mang thai.
Bệnh nhân 26 tuổi từng mổ đẻ cách đây 5 năm do vỡ túi mật, sau đó phải nhập viện điều trị viêm tuỵ cấp. Mang thai lần này, ở tuần 11, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, buồn nôn, nôn. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm tuỵ cấp do chỉ số mỡ máu triglyceride tăng cao bất thường trong thai kỳ, tình trạng nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Bệnh nhân được chuyển khoa Nội tổng hợp điều trị, tuy nhiên tình trạng không cải thiện.
Các bác sĩ nhanh chóng phối hợp hội chẩn liên khoa. Bệnh nhân được điều trị truyền insulin chống đông, giảm đau, nhịn ăn nuôi dưỡng tĩnh mạch, tiến hành lọc máu và thay huyết tương. Tình trạng sản phụ ổn định, không còn đau bụng, hết nôn, chỉ số triglyceride giảm xuống mức bình thường.
Tuy nhiên, quá trình mang thai sau đó, bệnh nhân tiếp tục phải nhập viện nhiều lần do viêm tuỵ cấp tái phát, có đợt diễn biến nặng, triglyceride tăng gấp hơn 20 lần. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tiếp tục điều trị tích cực bằng các biện pháp lọc máu, thay huyết tương trong những đợt nặng cấp, theo dõi sát tim thai, kiểm tra chặt chẽ sự phát triển của bé, đảm bảo sức khoẻ của mẹ cho đến khi sinh.
Sản phụ được theo dõi và điều trị bảo tồn cho đến tuần thai 37 thì xuất hiện cơn đau bụng hạ vị, có cơn gò tử cung. Các bác sĩ khoa Phụ sản, khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, hội chẩn quyết định phẫu thuật lấy thai để bảo đảm an toàn.
Bé gái nặng 2,3 kg chào đời toàn trạng ổn định. Sản phụ sau phẫu thuật mạch, huyết áp ổn định, tử cung co hồi tốt, chỉ số mỡ máu về mức bình thường, được tiếp tục điều trị viêm tụy cấp.
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết sản phụ bị viêm tuỵ cấp từ tháng thứ 3 của thai kỳ nên nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi rất lớn, những đợt viêm tuỵ cấp có thể gây suy đa cơ quan ở mẹ và gầy tử vong ở con. Hầu hết các loại thuốc uống điều trị duy trì giảm mỡ máu đều chống chỉ định với phụ nữ mang thai, vì vậy các bác sĩ phải sử dụng các phương pháp có thể hạn chế tối đa tác dụng phụ lên thai nhi và mẹ.
Quá trình mang thai sản phụ đã phải tiến hành 3 lần lọc máu, thay huyết tương. Bác sĩ Hùng nhận định: "Mặc dù thai chưa đủ tháng, việc điều trị ổn định cho sản phụ cho tới thời điểm thai 37 tuần là thành công rất lớn nên kíp bác sĩ chỉ định mổ lấy thai ngay".
Thúy Quỳnh