Người đàn ông quê Thái Nguyên, cho biết cơ thể không có triệu chứng nhiều, chỉ đôi khi thấy mệt mỏi. Ông Hùng từng phát hiện mắc viêm gan B, nhưng không điều trị do cho rằng bệnh chưa ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hải Bình, Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ông Hùng nằm trong số ít trường hợp may mắn phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhờ tầm soát định kỳ. Tỷ lệ chung là khoảng 70% bệnh nhân phát hiện ung thư gan giai đoạn muộn.
Còn ông Minh 67 tuổi (ở Hà Nội), phát hiện ung thư gan khi bệnh chuẩn bị bước sang giai đoạn hai, triệu chứng đột ngột chán ăn, sút cân, đau bụng. Trước đó, ông không cảm thấy cơ thể đau nhức hay khó chịu. Tương tự ông Hùng, ông Minh từng phát hiện bệnh viêm gan B nhưng không điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết đến khi cảm thấy đau, bệnh nhân mới đi khám. Lúc này, khối u đã phát triển to ở giữa gan, chèn ép vào bao gan, khiến việc phẫu thuật khó khăn. Khi hồi phục sau mổ, người bệnh sẽ tiếp tục được điều trị hóa chất.
Đây là hai trong số hàng trăm bệnh nhân mắc ung thư do viêm gan virus, được hai bệnh viện tiếp nhận và điều trị năm nay. Nhiều ca phát hiện muộn, có tỉ lệ đáp ứng không được như mong muốn, tốn kém về mặt thời gian và tài chính. Ngoài ra còn gây khó phẫu thuật, khó triệt căn ung thư và giảm hiệu quả của các biện pháp bổ trợ như hóa trị, miễn dịch...
Trên toàn quốc, viêm gan virus là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, gây gánh nặng bệnh tật lớn. 70-80% người bệnh ung thư kèm theo viêm gan, ví dụ viêm gan B, C, trong đó viêm gan B chiếm số lượng lớn hơn. Globocan 2020 thống kê ung thư gan đứng hàng đầu trong tổng số ca tử vong vì ung thư.
Có nhiều lý do khiến bệnh nhân bỏ hoặc không điều trị viêm gan, theo bác sĩ Trọng. Nhiều người bệnh tự nhận thấy cơ thể đã khỏe, nồng độ virus dưới ngưỡng nên tự ý dừng thuốc điều trị. Trong khi đó, họ cần uống thuốc suốt đời để kiểm soát nồng độ virus, không có thuốc tiêu diệt virus hoàn toàn.
Covid-19 khiến người bệnh tái khám, nhận thuốc khó khăn, từ đó lơ là điều trị. Nhiều trường hợp uống thuốc không đều đặn, chỉ sau 1 năm đã có khối u chừng 2 cm; hoặc cho rằng bệnh viêm gan, ung thư có thể điều trị bằng các loại thuốc lá, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thêm có nhiều bệnh nhân chưa xơ gan song đã có các khối u gan. Viêm gan B diễn biến thầm lặng, người mắc luôn cảm thấy khỏe dù đã bị xơ gan hoặc có khối u nhỏ, dẫn đến chủ quan không khám bệnh. Hậu quả là viêm gan phát hiện muộn, đã tiến triển thành ung thư. Trong khi đó, phương pháp siêu âm kiểm tra khó phát hiện các khối u có kích thước nhỏ hơn 2 cm, cần thêm các xét nghiệm khác bổ trợ.
Từ đây, các chuyên gia cho rằng viêm gan do virus chưa được nhiều người bệnh quan tâm điều trị, phòng chống. Năm nay, ngày Viêm gan Thế giới 28/7 đưa ra thông điệp "One life , one liver", tạm dịch là "một cuộc sống, một lá gan". Nhân đây, các bác sĩ khuyến cáo người mắc cần quản lý bệnh, theo dõi, điều trị bệnh sát sao.
Bác sĩ Huyền khuyến cáo chung người dân Việt Nam nên khám và sàng lọc viêm gan B thường xuyên. Người chưa mắc viêm gan B nên tầm soát 6 tháng một lần; nhóm người cao tuổi, nguy cơ cao, đã bị xơ gan nên tầm soát 3 tháng một lần. Phụ nữ mang thai cần khám định kỳ, sàng lọc viêm gan B, tuân thủ lịch uống thuốc và tiêm chủng cho con khi chào đời.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết tiêm vaccine là biện pháp cơ bản phòng viêm gan B hiệu quả, từ đó gián tiếp giảm nguy cơ mắc ung thư. Trong đó, mũi tiêm đầu tiên cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, tận dụng thời gian vàng tạo miễn dịch, bảo vệ trẻ trong những năm đầu đời. Thai phụ đã tiêm vaccine viêm gan B sẽ có kháng thể bảo vệ cả mẹ và em bé.
Bác sĩ Chính lưu ý cần làm xét nghiệm trước khi tiêm vaccine viêm gan B. Nếu chưa bị mắc bệnh hoặc chưa có kháng thể phòng viêm gan B, cần phải tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt. Những người đã tiêm vaccine cần xét nghiệm để kiểm tra lượng kháng thể để tiêm tiếp hoặc tiêm nhắc khi cần thiết.
Những người đã tiêm vaccine nhưng không đủ liều, cần được kiểm tra xét nghiệm kháng thể viêm gan B và tiêm theo lịch bổ sung. Nếu không tạo được kháng thể, mọi người phải tiêm vaccine lại từ đầu theo phác đồ chuẩn. Người nhiễm virus viêm gan B không cần tiêm vaccine, cần thực hiện tiếp các xét nghiệm chuyên sâu để theo dõi tình trạng bệnh.
Chi Lê
*Tên nhân vật được thay đổi.