Thời gian qua các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe quá tải, quá khổ, cơi nới diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng, theo Phó cục trưởng Cảnh sát giao thông Lê Xuân Đức. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Bảo kê, bao che
Theo ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng xe quá tải là có sự bảo kê, bao che. Một số doanh nghiệp vận tải được người có chức quyền tại địa phương nâng đỡ, thậm chí là "sân sau" của lãnh đạo. "Người dân đi xe máy lấn làn thì công an nhìn thấy, nhưng thùng xe cao 2 m thì lại không ai hay. Rõ ràng các xe này có sự thao túng, bảo kê", ông Chung nói.
Một lãnh đạo cơ quan kiểm tra tải trọng xe ở Hà Tĩnh cho rằng "nói bảo kê hơi nặng", song tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải quen biết rộng, đôi lúc dựa vào mối quan hệ để gọi điện nhờ vả khi bị dừng xe kiểm tra. "Can thiệp thì cũng xử lý. Tuy nhiên, một số trường hợp nhạy cảm quá thì phải báo cáo xin ý kiến cấp trên. Trong vài tình huống, không du di cũng không được", vị này nói.
Thực tế đã có nhiều cán bộ bị cách chức, phạt tù vì liên quan đến đường dây bảo kê xe quá tải. Gần đây nhất ngày 20/5, Nguyễn Cảnh Chân, 49 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, bị TAND TP HCM phạt 7 năm tù về tội Môi giới hối lộ, làm ngơ cho xe quá tải hoạt động.
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Việc xử phạt tài xế và chủ xe quá tải căn cứ theo Nghị định 123/2021. Tương ứng với ba mức chở quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50% thì có các mức phạt 4-6 triệu, 13-15 triệu, 40-50 triệu đồng. Chủ phương tiện bị phạt 18-75 triệu đồng đối với cá nhân và 36-150 triệu đồng đối với tổ chức. Nếu xe chở quá tải mức cao nhất thì tài xế và chủ xe là cá nhân bị phạt đến 125 triệu đồng.
Đánh giá mức phạt tiền đã tăng lên so với Nghị định 100/2019, song ông Đặng Văn Chung cho rằng vẫn chưa đủ sức răn đe vì thời gian tước giấy phép lái xe quá tải còn ngắn, tối đa 3 tháng, cần tước đến 24 tháng. "Nếu lái xe bị dừng làm việc trong 2-3 tháng thì chủ xe có thể nuôi được. Nhưng bị dừng làm việc 6-12 tháng thì chủ xe, lái xe đều ái ngại. Bị mất quyền hành nghề thời gian dài, lái xe sẽ không dám chở quá tải", ông Chung phân tích.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên trả lời chất vấn hôm 9/6 cho biết hướng xử lý của Bộ là tăng mức phạt hành chính. Hiện quy định cho xe vượt tải 50-60%, sắp tới Bộ kiến nghị vượt đến 20% thì tịch thu xe.
Lực lượng mỏng, thiếu thiết bị kiểm tra
Cảnh sát và thanh tra giao thông đã tổ chức nhiều đợt cao điểm xử lý xe quá tải, nhưng tình trạng vẫn tái diễn. Ông Hoàng Bá Ngọc, Đội trưởng Thanh tra giao thông số 1 (Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình), giải thích do lực lượng mỏng. Cả tỉnh Hòa Bình có hai đội thanh tra giao thông, một đội phụ trách trung tâm thành phố, một đội quản lý 9 huyện với rất nhiều mỏ đất, đá, là điểm nóng về xe quá tải, nhưng chỉ có 9 người.
Lực lượng làm nhiệm vụ hiện cũng thiếu thiết bị kiểm tra xe quá tải. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thuật, Đội phó Cảnh sát giao thông số 12, Công an TP Hà Nội, cho hay đơn vị được cấp máy cân tải trọng di động, khi đặt máy đo ở đường thì cho ra kết quả đúng với các xe tải trọng nhỏ, với các xe tải trọng lớn thì sai số đôi khi lên đến vài tấn do mặt đường đặt cân không bằng phẳng.
Ở một số địa bàn khác, việc phối hợp kiểm tra xe quá tải cũng phức tạp. Lãnh đạo đội Cảnh sát giao thông thuộc Công an Hà Tĩnh chia sẻ, đơn vị chưa được cung cấp cân tải trọng, muốn làm thì phải phối hợp với thanh tra giao thông tỉnh, trường hợp cấp bách thì phải báo Phòng Cảnh sát giao thông xin ý kiến đưa cân đến. Để công việc được trôi chảy hơn, vị này đề nghị cần bổ sung xe công vụ, cân tải trọng, thiết bị ghi hình, thước đo chiều cao cho cảnh sát giao thông.
Đủ chiêu trốn tránh kiểm tra
Theo Thanh tra giao thông tỉnh Hòa Bình, những người có xe tải luôn lập hội nhóm trên mạng xã hội, cử "chim lợn" theo dõi nhất cử nhất động của lực lượng liên ngành. Hễ thấy cán bộ đi tuần tra là thông báo cho tài xế "án binh bất động". Việc xâm nhập xử lý những nhóm báo tin quá tải rất khó, vì đa số dùng tiếng lóng để mật báo cho nhau, không có chứng cứ để đưa ra các mức phạt.
Nhiều tài xế xe quá tải khi bị dừng xe đã xuống bỏ chạy, không trình diện. Một số người khóa trái cửa xe, cố thủ nhiều tiếng. Để xử lý một xe quá tải vi phạm diễn ra khoảng 30 phút, nhưng với những trời hợp chây ì, đôi lúc mất cả buổi, nhà chức trách không còn thời gian kiểm soát phương tiện khác.
Lãnh đạo đội cảnh sát giao thông ở Hà Tĩnh cũng chỉ ra thực tế tài xế xe quá tải thường chọn lúc giao ca, trời mưa, khi nửa đêm, rạng sáng... để chở vật liệu, chạy vào các cung đường tắt. Thời điểm này lực lượng mỏng, việc tuần tra không được thường xuyên.
Lý giải cho việc chở quá tải, chây ì khi bị xử phạt, chủ một doanh nghiệp có 10 xe tải loại 7-11 tấn, thuê 15 nhân viên, cho rằng mỗi sáng mở mắt ra là vô vàn áp lực. Ngoài tiền để trả lương đúng hạn cho nhân viên, bảo trì xe, lãi ngân hàng, anh còn phải trích một khoản "chi phí mềm" để "được tạo thuận lợi". Nếu không chở quá tải thì khó có thể xoay xở có lãi.
Để xử lý xe quá tải, quá khổ, cơi nới, từ ngày 20/6 đến 20/9, cảnh sát giao thông cả nước bước vào đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Xe vi phạm sẽ phải hạ tải, cắt thùng xe. Tài xế chống đối kiểm tra, cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng, sẽ bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ, hoặc gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo cảnh sát và thanh tra giao thông, muốn giải quyết triệt để vấn nạn này, thay vì tăng cường tuần tra trên đường thì nên siết chặt khâu đăng kiểm, tăng mức phạt và cấp trang thiết bị cho lực lượng tuần tra.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị lắp camera giám sát và trạm cân tự động tại địa bàn xe chở vật liệu lưu thông nhiều, sau đó phạt nguội với xe vi phạm. Và quan trọng nhất là cần xử lý triệt để tình trạng bảo kê, bao che.
Đức Hùng - Đoàn Loan - Gia Chính