Sáng 9/6, mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói "rất may mắn khi được Quốc hội chọn, bởi là cơ hội để ngành giao thông vận tải giải trình những vấn đề người dân quan tâm". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm "quả thực hôm nay Bộ trưởng rất may mắn, nếu kỳ họp cuối năm cũng được may mắn thế này nữa thì rất hay". Phía dưới hội trường, đại biểu cùng bật cười.
Phản ánh một số công trình giao thông xuống cấp rất nghiêm trọng, thiệt hại nhiều tỷ đồng, đại biểu Lê Tất Hiếu chỉ ra một trong những nguyên nhân là do xe quá tải gây ra. Chủ xe chủ yếu bị xử lý hành chính mà chưa bị xử lý hình sự. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết khi xác định được phương tiện, mức độ vi phạm thì có thể xử lý hình sự hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đã chỉ đạo các đơn vị của bộ nghiên cứu. Nghị định 100/2019 vừa qua đã tạo đột phá lớn, nhưng còn một số điểm hạn chế, trong đó có xe quá tải. "Chúng tôi theo hướng kiến nghị khắt khe với xe quá tải. Hiện quy định cho xe vượt tải đến 50-60%, chúng tôi sẽ kiến nghị vượt 10% thôi. Xe nào vượt tải 10% bị phạt rất nặng; nếu vượt đến 20% thì tịch thu xe. Không xử lý hình sự, nhưng biện pháp hành chính phải đảm bảo răn đe, an toàn cho các công trình giao thông", ông Thể nói.
Theo ông Thể, một số chủ xe đi đăng kiểm xong về nhà lắp ghép, cơi nới thùng xe. "Vì vậy, cần xử phạt nặng, nghiêm. Vượt tải đến mức độ nào đó phải tịch thu xe thì người ta mới không dám vi phạm", ông Thể nêu giải pháp.
Vấn đề chậm triển khai thu phí không dừng tại các trạm BOT được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi và tranh luận. Đại biểu Đặng Hồng Sỹ hỏi thu phí không dừng triển khai từ năm 2015, phải thống nhất trên cả nước từ năm 2019, nhưng đến nay chưa hoàn thành. Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành trước 30/6 năm nay cũng gần như không đạt được. Nguyên nhân từ đâu, Phó thủ tướng yêu cầu nếu trạm nào không lắp đặt thu phí không dừng thì phải xả trạm, vậy có thực hiện được không?
Bộ trưởng Thể nói năm 2015, Chính phủ triển khai thu phí không dừng. Đây là công nghệ mới, giúp đi lại thuận lợi, việc thu phí công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai, có nhiều vướng mắc, một phần do thói quen người dân. Công nghệ trong quá trình triển khai có sai sót về kỹ thuật. Với 113 trạm BOT, mục tiêu đặt ra là đến năm 2019 hoàn thành, Bộ "đã rất nỗ lực nhưng chưa thể xong".
28 trạm của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn, do vướng mắc về tái cơ cấu nên không có kinh phí triển khai. Chính phủ đã họp rất nhiều, đến nay mới giải quyết xong về cơ chế. Cách đây hai ngày, VEC đã ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng để triển khai thu phí không dừng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến 30/6 toàn bộ trạm BOT, trừ của VEC phải hoàn thành lắp đầy đủ thu phí không dừng ở các làn, mỗi trạm trừ 2 làn ở hai bên để giải quyết tình huống phức tạp đột xuất, còn lại thu phí không dừng. Các trạm của VEC đến cuối tháng 7 hoàn thành tiến độ. Đến nay, tiến độ cơ bản được đảm bảo. "Chính phủ lần này rất cương quyết, nếu cuối tháng 6 các trạm chưa hoàn thành thì dừng thu phí, khi làm xong mới được thu", ông Thể nói.
Đến nay cả nước dán được 3,2 triệu thẻ thu phí không dừng trên tổng số 4 triệu ôtô, chiếm 69%. Đầu tháng 6 vừa qua, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu phí không dừng 100% và thực hiện rất tốt.
Tham gia tranh luận với Bộ trưởng Thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc "chắc Bộ trưởng còn nhớ khi mới nhậm chức, tôi từng chất vấn câu hỏi về BOT". "Bộ trưởng khi đó hứa với tôi chắc như đinh đóng cột rằng đến năm 2019 sẽ hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng. Nhưng suốt thời gian qua chúng ta làm nửa với, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Nhiều nơi làm nhưng chỉ được một hai luồng trên rất nhiều luồng qua trạm thu phí, nhiều khi đi qua tôi thấy rất kỳ lạ", ông Trí nói.
Việc thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT phải minh bạch hoạt động thu tiền, tài chính. "Cử tri cho rằng chậm triển khai thu phí không dừng là do có gian lận, lợi ích nhóm. Thực sự có thật hay không, phải trả lời được câu hỏi này", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói, và cho rằng cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án BOT trên toàn quốc thời gian tới.
Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đến năm 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT ít nhất có 2 làn thu phí tự động. Lý do là nếu chưa có nhiều ôtô dán thẻ thì đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay, cả nước đã có 3,2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng, là thời điểm chín muồi để sử dụng các làn thu phí tự động.
Tư lệnh ngành giao thông nói việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này. "Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này", ông Thể nói.
Phân bổ cao tốc không đồng đều giữa các vùng miền là vấn đề được đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu tại phiên chất vấn. Ông đề cập tới việc "trắng" cao tốc tại các vùng kinh tế như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên... Vùng kinh tế phía Nam chưa được đầu tư cao tốc tương xứng với tiềm năng.
Tình trạng này kéo dài hàng chục năm qua. "Việc dầu tư hạ tầng giao thông tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, phân bổ hợp lý thì thúc đẩy, không hợp lý thì lãng phí, cản trở phát triển rất lớn. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?", ông Nghĩa chất vấn.
Bộ trưởng Thể cho biết, vấn đề phân bổ cao tốc không đồng đều đã được Trung ương, Chính phủ nhận diện. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cao tốc, đặt mục tiêu làm 5.000 km để cân đối và khai thác tiềm năng các vùng miền. Ví dụ dự án Vành đai 3 TP HCM và Vành đai 4 Hà Nội là không gian phát triển các đô thị, trung tâm kinh tế lớn nên cần quyết tâm đầu tư công để hoàn thành.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn được phản ánh hệ thống cao tốc yếu kém, thu hút đầu tư khó khăn. Vì thế, Bộ đã tham mưu làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề để kết nối các tuyến đường cửa ngõ vào đồng bằng sông Cửu Long và tạo kết nối liên vận quốc tế với Campuchia, nhằm tạo đột phá cho vùng.
Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến cao tốc cứu cánh cho cả tuyến Đông Nam Bộ. Không có tuyến cao tốc này sắp tới hàng hóa không xuống được cảng Cái Mép - Thị Vải. Hiện quốc lộ 51 quá tải, nên đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công để sớm hoàn thành. Hay làm tuyến cao tốc từ Tây Nguyên xuống Nam Vân Phong để phát triển vùng này theo hướng công nghiệp...
Quy hoạch, kế hoạch của Đảng, Nhà nước thì một số vùng có tiềm năng thế mạnh cần đầu tư cao tốc để tạo đột phá, thu hút đầu tư. Hoặc vùng phát triển tốt, hạ tầng tắc nghẽn cũng "cần đầu tư mở rộng thêm".
"Những người làm công tác giao thông rất mừng vì nhiệm kỳ này Quốc hội, Chính phủ ủng hộ lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia", ông Thể nói, hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, sau nhiệm kỳ này sẽ khắc phục được sự mất cấn đối giữa các vùng miền.
Đại biểu Trình Lam Sinh hỏi, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình 5 dự án giao thông trọng điểm nhằm mở rộng không gian đô thị, tạo hành lang liên kết vùng. "Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ có giải pháp gì để nâng cao năng lực các dự án. Bộ khuyến nghị gì với các địa phương có dự án đi qua", ông Sinh chất vấn.
Bộ trưởng Thể cho biết, ngoài 5 dự án cao tốc đang trình, ngành đang triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, cũng như 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay khởi công. Việc này rất khó khăn cho các địa phương về vật liệu xây dựng.
Về quản lý dự án, ông Thể nói hiện các địa phương đều có ban quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý tất cả công trình từ giao thông, xây dựng, nông nghiệp, trong đó có cả công trình vốn ODA. Do đó, Bộ đang kiến nghị các địa phương chọn một ban mạnh nhất, tập hợp lực lượng tốt nhất để hình thành Ban quản lý dự án chủ lực cho tỉnh.
Các Ban quản lý dự án có thể thuê chuyên gia, những người có kinh nghiệm ở các cơ quan, doanh nghiệp tập hợp thành lực lượng mạnh; có thể liên doanh, liên kết với Ban quản lý dự án ở trung ương như Bộ Giao thông, Nông nghiệp, thành liên doanh điều hành dự án.
Khan hiếm nguyên vật liệu tại các dự án giao thông khiến nhà thầu gặp khó khăn là phản ánh của đại biểu Dương Minh Ánh và Trần Quang Minh. "Bao giờ giải quyết được vấn đề này?", bà Ánh hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do ảnh hưởng xăng dầu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Hai Bộ Giao thông và Xây dựng đã báo cáo Chính phủ. Bộ Xây dựng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường. Hiện theo quy định thông báo giá của địa phương là sau 1-3 tháng. Có 37 địa phương thông báo giá hàng tháng, còn lại đều 3 tháng một lần. Ông Thể đề nghị, các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn.
Dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, địa phương thông báo kịp thời thì sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu. "Chúng tôi mong muốn nửa tháng thông báo giá một lần, nhưng như vậy nhiều vật tư biến động, gây áp lực lớn cho Sở Tài chính địa phương", ông Thể nói và cho biết sẽ cùng các bộ, ngành có phương án xử lý tốt nhất.
Chủ tịch Quốc hội nói thêm, vừa rồi có ý kiến về tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm, do giá nguyên vật liệu tăng. Nếu nhà thầu làm thì không đủ tài chính. Nhưng thực tế như Bộ trưởng nói thì các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá. "Vậy chậm do thủ tục và quy trình điều chỉnh có phải thế không? Hay các nhà thầu thiệt thòi gì nên không làm? Dư luận, nhân dân cứ nghĩ là đã ký hợp đồng rồi, chọn nhà thầu rồi, bây giờ giá cao thì làm thế nào? Giải pháp sắp tới thế nào?", ông Huệ đặt hàng loạt câu hỏi.
Ông Huệ lưu ý vấn đề này phải rất tường minh, tránh hiểu nhầm là nhà thầu bị thiệt thòi khi nhận công trình làm cho nhà nước, bây giờ giá tăng nên thua lỗ.
Tiếp sau ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải đáp thêm, tất cả các dự án, trong đó có dự án lớn đều có cơ chế điều chỉnh giá. "Nhưng sự phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương trong điều chỉnh biến động giá có kịp thời hay không? Bởi khi triển khai nhà thầu mua xăng dầu, nguyên vật liệu, vận chuyển giá cao, nhưng đến khi nghiệm thu, thanh quyết toán giá lại xuống thấp. Việc thanh quyết toán sẽ căn cứ vào thông báo giá của địa phương", ông Thể phân trần.
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng sự phối hợp của các bộ ngành là quan trọng, "nhưng thông báo giá của địa phương quan trọng hơn, nếu sát, kịp thời thì thanh quyết toán cho nhà thầu sẽ tốt". Ông Thể mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ xem xét có cơ chế đảm bảo công bằng với nhà thầu, điều chỉnh giá kịp thời, nhất là thông báo giá.
Viết Tuân - Hoài THu - Hoàng Thùy
Xem diễn biến chính