Anh Thanh (38 tuổi, quê Hà Nam) nhận lái xe tải chở đất, đá cho một doanh nghiệp ở Hòa Bình hơn hai tháng trước. Anh được giao chiếc xe tải "nhìn qua đã thấy thùng xe cơi nới". Nhưng là người làm công ăn lương, anh không dám phàn nàn. Mỗi khi vào khu lấy đất đá, tài xế máy múc xúc bao nhiêu vật liệu vào thùng thì xe chở bấy nhiêu. Anh Thanh ngầm hiểu chở quá tải thì công ty mới có lãi, lương mới cấp đều hàng tháng cho tài xế và "thắc mắc chỉ thêm đau đầu".
Nhưng cũng từ lúc nhận việc, anh Thanh luôn nơm nớp lo sợ bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra trên đường. Điều này khác hoàn toàn với trước đây, khi anh chạy xe đông lạnh - chở ít hơn hoặc bằng tải trọng quy định. Anh cho rằng "về cơ bản thì lái xe quá tải không có gì nguy hiểm. Tai nạn xảy ra chủ yếu do trình độ của lái xe kém hoặc chạy ẩu".
Giữa tháng 6, xe tải do anh Thanh điều khiển bị thanh tra giao thông tỉnh Hòa Bình kiểm tra. Thành thùng xe 150 cm, cao hơn so với thông số ghi trong giấy chứng nhận kiểm định 22 cm. Công ty chủ quản bị phạt 14 triệu đồng, anh Thanh bị phạt 2,5 triệu đồng. Nghe xong khoản phạt, anh lo lắng "không biết công ty có trả tiền phạt cá nhân cho mình không, nếu không các con lại mất vài hộp sữa".
Cũng như anh Thanh, tài xế Quý (35 tuổi, trú Sơn La) lái xe tải thuê cho một doanh nghiệp khai thác đá tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, hơn 5 năm nay với thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng. Khi bị dừng xe hồi tháng 6, anh Quý thất thểu mang giấy tờ cho lực lượng chức năng kiểm tra rồi ngồi một góc gọi điện cho công ty nhờ hỗ trợ. Hai tiếng sau, công ty đồng ý chịu nửa tiền phạt.
Anh Quý bảo chạy trên đường đã nguy hiểm, lái xe cơi nới còn nguy hiểm hơn vì các thông số không còn đúng với tính toán của nhà sản xuất. "Nhưng cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận, mình không làm thì người khác làm", anh tâm sự.
Làm chủ công ty vận tải sở hữu hơn 10 xe tải loại 7-11 tấn, anh Hải (40 tuổi, trú TP Hà Tĩnh) cho biết thời điểm này vật giá leo thang, nếu chạy đúng tải thì không có tiền bù vào những "chi phí mềm". Trong một số hoàn cảnh, anh phải chỉ đạo nhân viên chở quá tải, chấp nhận "tát nước theo mưa, bởi đa số doanh nghiệp lén lút làm vậy".
Theo anh Hải, "chi phí cứng" công ty phải trả lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng, gồm tiền lương cho 15 tài xế, mỗi người 9 triệu đồng, tiền ăn 120.000 đồng/ngày; tiền bảo trì xe, lãi ngân hàng. Doanh nghiệp cũng phải dành khoản làm "chi phí mềm", được xem là luật bất thành văn để "được tạo thuận lợi".
Ông chủ doanh nghiệp tính toán, trước đây ký hợp đồng san lấp với đối tác, giá mua một khối đất (hơn một tấn) tại mỏ khoảng 50.000 đồng, bàn giao là 100.000-120.000 đồng tùy cung đường. Công trình làm nhanh thì trong một tháng, nhiều là 4-5 tháng.
Nhưng từ đầu năm đến nay, lúc bắt đầu làm cho đến khi bàn giao, giá dầu tăng từ 20.000 đồng lên hơn 30.000 đồng/lít. Phía mỏ đất cũng tăng giá bán một khối lên hơn 60.000 đồng. Công ty phải chịu lỗ khoản tiền dầu do hợp đồng đã ký, không thể yêu cầu đối tác nâng giá vật liệu. Nếu bỏ ngang sẽ phải đền bù và đơn vị khác nhảy vào làm ngay.
"Mỗi lần dầu tăng giá tôi luôn giật thột, nỗi lo tăng lên từng ngày", anh Hải kể. Xe tải quy định chở 10 tấn thì có thể chở lên 13 tấn. Khối lượng nhiều thì tiền thanh toán sẽ lớn hơn. Chẳng hạn, nếu chở 10 tấn, chạy cung đường 20 km, giá một khối đất 60.000 đồng, tổng cả chuyến 600.000 đồng. Khi chở 13 tấn sẽ có thêm 180.000 đồng, đây có thể xem là khoản tiền lời.
Với một công trình cần 10.000 khối đất, xe chở trong một tháng, theo anh Hải "lãi khoảng 15 triệu đồng". Năm ngoái do ảnh hưởng Covid-19 nên xe ít chạy, năm nay thời tiết thất thường cũng khiến một số thời điểm các xe phải chôn chân. Làm vận tải phụ thuộc vào thời tiết, nắng thì xe chạy đều, mưa thì phải nghỉ liên tiếp 4 ngày sau đó do đất nhão, máy không thể múc. Dù xe phải đậu một chỗ, anh vẫn phải chi tiền bảo dưỡng xe, lương tài xế.
"Ai cũng biết cơi nới thành thùng, chở quá tải là trái quy định, nhưng không làm vậy thì nguy cơ doanh nghiệp phá sản là hiện hữu", anh Hải nói.
Ngoài doanh nghiệp, một số tài xế có xe tải riêng cũng chung lý giải chở quá tải để bù giá xăng dầu tăng. Một năm trước, anh Nam (41 tuổi, trú Quảng Trị) vay ngân hàng gần một tỷ đồng đầu tư xe ben hai cầu làm dịch vụ vận chuyển đất cát, khoáng sản. Xe là tài sản thế chấp ngân hàng. Theo đăng kiểm, xe được chở 8,5 m3 vật liệu, song thùng được nâng lên để chở thêm 2 m3. Anh giải thích việc này nhằm bù chi phí đầu vào do không thể yêu cầu đối tác tăng cước vận chuyển.
Anh Nam cho hay mỗi mét khối vật liệu được doanh nghiệp trả 3.300 đồng mỗi km. Với mỗi chuyến xe tăng tải như trên, chủ xe được trả 330.000 đồng cho quãng đường 10 km (thực tế 20 km nếu tính cả chiều về). Trong đó, chi phí nhiên liệu 220.000 đồng, 30.000 đồng công tài xế, chủ xe còn 80.000 đồng.
"Tiền làm ra phải chi cho việc khấu hao tài sản, trả nợ và lãi ngân hàng, rủi ro dọc đường. Những ngày mưa và các tháng mùa đông đa phần phải nghỉ. Nếu không chở quá đăng kiểm thì chủ xe không còn đồng nào", anh Nam nói.
Tài xế 41 tuổi lập luận, tổng trọng tải của hàng và xe vẫn đáp ứng tải trọng của các tuyến quốc lộ, chỉ khi đi vào đường liên thôn, liên xã, tỉnh lộ mới có giới hạn tải trọng cầu đường. Tuy nhiên, nếu phương tiện chạy liên tục trên một tuyến thì đường vẫn có thể hư hỏng, xuống cấp. Tai nạn theo anh Nam là "nhiều nguyên nhân chứ không hoàn toàn do chở quá tải, vì nếu tài xế có kỹ năng, chạy đúng tốc độ quy định thì vẫn xử lý được các tình huống".
Để hạn chế việc chở quá tải thì phải tăng tiền vận chuyển, nhưng việc này chủ xe không đàm phán được với đối tác vì đã có giá chung.
Tình trạng ôtô quá tải gây hư hỏng đường sá, ảnh hưởng đời sống người dân tồn tại nhiều năm và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mới đây, hôm 4/6 xe tải cơi nới thùng cao hơn 2,5 lần cho phép, chở đất, chạy trên đường Hồ Chí Minh (xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) bị lật, đè ôtô 4 chỗ làm ba người chết.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hôm 9/6 cho biết, Bộ đang kiến nghị phạt nặng xe vượt tải 10%, tịch thu xe với xe vượt tải đến 20%.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Đức Hùng - Gia Chính - Hoàng Táo