Năm 1996, chàng trai 20 tuổi Trịnh Đức Thanh lập kỷ lục quốc gia 400m cho điền kinh TP HCM với thành tích 48 giây. Theo năm tháng, thông số này được cải thiện và hiện ở mốc 45,99 giây do chân chạy người Thanh Hóa Quách Công Lịch lập tại Thái Lan năm 2015.
Nhưng với riêng điền kinh TP HCM, đến nay chưa VĐV nào vượt qua được kỷ lục tồn tại hơn một phần tư thế kỷ của đàn anh Trịnh Đức Thanh - người hiện là Trưởng Bộ môn Điền kinh TP HCM và Phó GĐ Trung tâm TDTT Thống Nhất. Còn nếu xét trên toàn quốc, nhiều VĐV giờ có thể đạt ngưỡng 46 đến 47 giây, nhưng phá kỷ lục quốc gia của Quách Công Lịch thì không đơn giản.
Thông thường, những VĐV có tố chất sẽ được phát hiện, sàng lọc dần rồi tuyển chọn lên các tuyến cao hơn ở cấp độ địa phương từ khoảng 10-12 tuổi. Nhóm ưu tú này mất từ ba đến năm năm rèn luyện nữa để đủ khả năng thi thố ở cấp độ quốc gia. Nhưng riêng cự ly 400m, thời gian đào tạo có thể dài hơn.
Theo ông Trịnh Công Khanh, HLV đội cự ly ngắn của điền kinh TP HCM, so với 200m hay 100m, khác biệt lớn nhất của 400m là VĐV phải mạnh cả về tốc độ và phải có sức bền của cự ly trung bình, dài. Ông nói với VnExpress: "Cự ly 400m đòi hỏi VĐV phải chạy với tốc độ của 100m hoặc 200m, nhưng khi đến ngưỡng tới hạn là mốc 300m, cơ thể sẽ bị tê cứng từ phần mông đến chân. Ở mốc này, VĐV phải hiểu rõ cơ thể để có những giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời bảo toàn được thành tích của mình".
Ông Trịnh Đức Thanh giải thích thêm: "Cơ thể của VĐV chạy nước rút sẽ đòi hỏi năng lượng và oxy cực lớn ở mốc 300m và nếu thiếu oxy sẽ gây đau và cứng cơ, không chỉ trong lúc chạy mà cả khi về đích và phục hồi". Vì thế, cựu kỷ lục gia này cho rằng VĐV chạy 400m phải có khả năng chịu đựng sự đau nhức của cơ thể khi acid lactic chưa phân hủy hết, thậm chí đau đầu khi hoạt động quá sức. Khi chạy đến đích, dù đứng hay nằm đều rất khó khăn, VĐV thậm chí thở cũng ngáp ngáp như cá trên cạn. "Phải nói rằng, đây là một cự ly dị thường", ông đúc kết.
Ngày 14/5, những ai theo dõi nội dung 4x400m hỗn hợp tại SEA Games 31 đã cảm thấy vô cùng tiếc nuối khi nhóm "elite" của tổ 400m gồm Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan để vuột chiếc HC vàng vào tay Thái Lan. Hình ảnh Quách Thị Lan để đối thủ vượt lên trong khoảng 50 m cuối thậm chí còn khiến nữ VĐV này nhận về một số chỉ trích trên mạng xã hội. Nhưng ngay cả những khán giả bình thường cũng có thể thấy trong 100 m cuối, Lan dường như xuống sức và "hết pin".
Thực tế, Lan gặp vấn đề tiêu hóa trước khi vào thi, khiến cơ thể không đạt trạng thái tốt nhất. Em gái của Quách Công Lịch cũng chấp nhận những chỉ trích, vì đó là một phần của cuộc sống. Nhưng cô đồng thời cũng chịu thách thức ở việc phải tính toán, phân bổ sức lực như thế nào trên đường chạy khi đó vì còn phải tham gia nhiều nội dung khác nhau. Nhờ bản lĩnh cũng như kinh nghiệm dày dạn, cô đã vượt qua áp lực từ thất bại ở nội dung 4x400m hỗn hợp để đoạt HC vàng cá nhân SEA Games đầu tiên ở nội dung 400m vượt rào sau đó ba ngày.
Lê Thị Mộng Tuyền, một trong những chân chạy cự ly ngắn dày dạn kinh nghiệm nhất điền kinh Việt Nam còn thi đấu, thì cho rằng chiến thuật của cự ly 400m phức tạp hơn so với 100m và 200m. Chân chạy đoạt HC bạc 4x100m SEA Games 31 nói: "Cá nhân tôi thấy VĐV chạy 400m phải tính toán chiến thuật, xử lý nhiều đoạn đường, và kiểm soát tốc độ cũng như cơ thể một cách hoàn hảo để đạt được kết quả tốt nhất".
Theo quy chuẩn, đường chạy điền kinh trong SVĐ được chia thành bốn đoạn đường, với hai đường vòng và hai đường thẳng. Cự ly 100m sẽ chạy trên đường thẳng. 200m chạy trên một đường cong và một đường thẳng. Còn cự ly 400m được tính bằng một vòng sân, và VĐV sẽ phải xử lý đến bốn đoạn đường. Đây cũng là yếu tố khiến cự ly 400m có nhiều hướng tiếp cận về mặt chiến thuật. Mỗi VĐV sẽ buộc phải chạy riêng trên đường chạy của mình (đánh số từ 1 đến 8), và xuất phát từ các vị trí khác nhau trên đường cong. Tuy nhiên, VĐV sẽ phải có thành tích tốt nhất để được xuất phát ở các vị trí "đẹp" lần lượt là 3, 4, 5, 6 rồi mới đến 1, 2 và 7, 8. Sở dĩ các vị trí xuất phát được cho là đẹp vì từ các vị trí đó, VĐV dễ kiểm soát được không gian của bản thân cũng như quan sát được các đối thủ. Còn các vị trí 1, 2 hoặc 7, 8 sẽ khó hơn khi cần quan sát tổng thể.
HLV kỳ cựu trong làng điền kinh Việt Nam Nguyễn Đình Minh cho rằng theo chiến thuật truyền thống, VĐV có thể chia cự ly 400m thành hai đoạn 200 m, và từ đây tính toán tốc độ để hoàn thành đường chạy. Chiến thuật hiện đại thì chia nhỏ hơn nữa, thành bốn đoạn 100m để tối ưu thành tích, nhưng vẫn không nằm ngoài khung hai đoạn 200 m. Quách Thị Lan từng tập theo chiến thuật chia thành bốn đoạn 100 m khi tập huấn tại Mỹ và được các HLV bản địa chỉ dẫn cụ thể theo thế mạnh của cô. "Với những VĐV có lợi thế về sải chân như tôi, đoạn đường cong là cơ hội để vượt lên. Nhưng chạy ở đường cong ngoài sải chân, còn phải có cả sự dẻo dai, uyển chuyển và phải khổ luyện trong từng bước chạy", chân chạy nữ người Thanh Hóa kể.
Việc chia nhỏ đoạn đường, kiểm soát từng bước chạy nhìn chung có thể được chuẩn bị chi tiết từ trước khi thi đấu, và do VĐV nắm quyền tự quyết. Nhưng kiểm soát áp lực từ đối thủ thì luôn chứa đựng những bất ngờ. Vào thi đấu, gặp các đối thủ mạnh có thể làm VĐV căng thẳng dẫn đến cơ thể bị căng cứng, không thể thả lỏng. Mà để tìm ra được cách thức xử lý giới hạn về mặt thể chất của cơ thể khi chạy đến ngưỡng 300 m lại đòi hỏi sự phối hợp giữa HLV và VĐV vô cùng chặt chẽ.
"Thứ nhất, HLV phải là người từng thi đấu và đạt thành tích cao ở chính cự ly 400m để hiểu được từng chi tiết những thách thức mà học trò có thể gặp phải và đề ra giải pháp xử lý. Thứ hai, bản thân VĐV phải cố ghi nhớ những tình huống phổ biến mà bản thân có thể gặp để dù có rơi vào tình huống nào cũng sẽ tìm cách xử lý, và rõ ràng xử lý chỉ trong tích tắc ở điều kiện cơ thể vận động cực đại chưa bao giờ là điều dễ dàng", HLV Trịnh Công Khanh phân tích.
Nguyễn Thị Huyền được xem là chân chạy xử lý 100 m cuối cùng tốt nhất trong các VĐV 400m của điền kinh Việt Nam hiện tại. Ở Huyền có tố chất bẩm sinh và dường như được sinh ra để chạy cự ly 400m và đặc biệt là sự dẻo dai trong 100 m cuối cùng. Điều này cũng phần nào lý giải cho việc chân chạy người Nam Định giành HC vàng 400m ở ba kỳ SEA Games liên tiếp.
Nhưng phải rất lâu điền kinh Việt Nam mới có một tài năng bẩm sinh như Nguyễn Thị Huyền. Và để tạo nguồn VĐV đỉnh cao, các HLV đành phải tìm kiếm và thể nghiệm VĐV ở các cự ly ngắn hơn hoặc dài hơn. Trần Nhật Hoàng xuất phát điểm là VĐV 200m của đoàn Khánh Hòa và chỉ chuyển sang đấu 400m từ khoảng 2017 sau một số lần làm việc với HLV Trịnh Công Khanh. Trong khi đó, một số tuyển thủ quốc gia 400m khác thì xuất thân từ tổ chạy trung bình và sau này mới chuyển sang đấu 400m.
Thái Ca