Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine hôm 28/2 ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh Nga mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Động thái diễn ra vài giờ sau khi Zelensky công bố video đề nghị EU chấp thuận Ukraine trở thành thành viên và kêu gọi các lực lượng Nga về nước. Ông thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập ngay lập tức bằng "thủ tục đặc biệt mới", song không nêu chi tiết.
Nghị viện châu Âu ngày 1/3 thông qua nghị quyết kêu gọi các thể chế của EU cùng phối hợp để trao tư cách ứng viên cho Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 27/2 nói Ukraine là "một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ gia nhập" EU. Tuy nhiên, bà cho biết việc gia nhập sẽ không diễn ra lập tức. Trang web riêng của EU cũng nhấn mạnh "trở thành thành viên EU là thủ tục phức tạp không thể diễn ra chớp nhoáng".
Vậy vì sao Tổng thống Zelensky lại nôn nóng gia nhập EU như vậy và liệu nó sẽ giúp ích gì cho Ukraine trong nỗ lực đối đầu với chiến dịch quân sự của Nga?
Theo giới chuyên gia, trở thành thành viên EU có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột. Tư cách thành viên EU có thể hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự vì các nước EU bị ràng buộc bằng hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước "đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình".
Nếu Ukraine là thành viên EU, Nga trên lý thuyết có thể phải đối mặt với lực lượng từ Pháp, Đức và cùng các nước khác trong khối. Cho đến nay, Ukraine trên giấy tờ vẫn là một quốc gia "trung lập", nằm ngoài cả EU và NATO.
Hơn nữa, gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ukraine và giúp Kiev có thêm những lợi ích bổ sung khác như tự do đi lại trong toàn khối và một loạt những đặc quyền được cấp riêng cho công dân EU.
Ukraine đã được EU hậu thuẫn, nhưng khi được kết nạp làm thành viên của khối, những khoản hỗ trợ sẽ càng được củng cố và chính thức hóa bởi 27 thành viên còn lại.
Dù vậy, theo giới quan sát, Ukraine sẽ khó có được tư cách thành viên EU trong thời gian ngắn.
Trên thực tế, gia nhập EU là một quá trình phức tạp, khó khăn và tốn kém, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ và đòi hỏi một cam kết đặc biệt từ quốc gia ứng viên. Họ được yêu cầu thực hiện một danh mục dài các cải cách theo tiêu chuẩn EU.
Quan trọng nhất, toàn bộ quá trình phụ thuộc vào ý chí chính trị của 27 quốc gia thành viên. Ngay cả khi Ủy ban châu Âu là bên dẫn dắt và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán, việc tất cả các thành viên có bật đèn xanh để ứng viên gia nhập không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Yêu cầu đồng thuận này đã được chứng minh là trở ngại thường trực đối với nỗ lực mở rộng của EU. Bulgaria đang ngăn cản các cuộc đàm phán gia nhập EU của Bắc Macedonia và Albania do bất đồng liên quan đến lịch sử và ngôn ngữ.
Trong khi đó, ba ứng viên khác là Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán không có nhiều đột phá. Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực xin gia nhập EU từ năm 1987 nhưng vẫn chưa thành công.
Tình trạng bế tắc này cho thấy EU hiện không có ý chí mở rộng và mối quan tâm hiện nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ của khối. Nhưng khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang diễn ra, cánh cửa cho Kiev liệu có rộng mở?
Mục tiêu chính của các cuộc đàm phán là đưa quốc gia ứng viên tiếp cận gần nhất có thể tất cả các quy tắc, quy định và cấu trúc chính trị của EU.
Tiêu chí Copenhagen, được thiết lập vào năm 1993, là tài liệu tham khảo chính trong toàn bộ quá trình. Ví dụ, một quốc gia muốn gia nhập khối phải có khả năng "đối phó với áp lực cạnh tranh và các tác nhân thị trường" trong thị trường duy nhất của EU.
Sau khi các cuộc thảo luận về tất cả 35 điều khoản kết thúc, một hiệp ước gia nhập sẽ được soạn thảo. Văn bản phải được Hội đồng châu Âu và tất cả nghị viện quốc gia của từng nước thành viên thông qua, cũng như nhận được đa số phiếu ủng hộ trong Nghị viện châu Âu.
Trung bình, quá trình đàm phán mất 4-5 năm mới hoàn thành.
Áo, Phần Lan và Thụy Điển đã hoàn thành quá trình trong chưa đầy hai năm, trong khi Croatia, quốc gia gần đây nhất gia nhập EU, mất gần 8 năm.
"Đây không phải là điều có thể diễn ra trong một sớm một chiều", Corina Stratulat, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận xét. "Gia nhập EU là một quá trình, không phải một sự kiện. Dựa trên những gì chúng ta biết cho đến nay, nó cần thời gian, lòng kiên nhẫn và rất nhiều chuẩn bị từ cả đôi bên".
Stratulat cho rằng Ukraine hiện chưa thể đáp ứng tất cả các tiêu chí Copenhagen. Bà đồng thời bày tỏ lo ngại về những rủi ro chính trị có thể nảy sinh nếu thủ tục gia nhập được đẩy nhanh theo cách chưa từng có tiền lệ.
"Bạn có thể đẩy nhanh quy trình nếu khối có ý chí chính trị thống nhất. Tuy nhiên, nếu quy trình vẫn phức tạp và nghiêm ngặt như hiện tại, việc tăng tốc thủ tục gia nhập sẽ buộc tất cả quốc gia thành viên phải nhanh chóng thông qua hàng chục quyết định liên quan đến một đất nước", bà nói. "Điều này chưa từng xảy ra trong những năm gần đây, ngay cả đối với các quyết định chỉ mang tính biểu tượng, như cấp tư cách ứng viên cho bên nộp đơn. Một câu hỏi khác đặt ra là nếu EU nhanh chóng kết nạp Ukraine, việc đó sẽ được nhìn nhận như thế nào ở các nước Balkan, những bên đã chờ đợi từ lâu và cũng chịu ảnh hưởng từ Nga".
Vũ Hoàng (Theo Euronews, India Today)