Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần này tổ chức loạt hội đàm một - một với bốn người đồng cấp Đông Nam Á, những nước được cho có tiếng nói mạnh mẽ nhất về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, cho thấy tình hình biến động hậu đảo chính ngày một tồi tệ sẽ là nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận song phương.
Song Qingrun, phó giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc dự định hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để "duy trì ổn định ở Biển Đông" và giải quyết "khủng hoảng chính trị nội bộ" của Myanmar.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ năm 2019, là người gặp ông Vương Nghị đầu tiên ở tỉnh Phúc Kiến hôm qua. Cuộc gặp với Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin sẽ lần lượt diễn ra vào ngày 1/4, sáng 2/4 và chiều 2/4.
Ông Balakrishnan gần đây đã hội đàm với Malaysia, Indonesia và Brunei về cuộc trấn áp quân sự ngày càng mạnh tay ở Myanmar. Không quốc gia Đông Nam Á nào trước đó công bố Myanmar sẽ là chủ đề thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc, nhưng mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về hành động của chính quyền quân sự ngày một tăng.
Bộ Ngoại giao Singapore sáng 1/4 ra tuyên bố ông Balakrishnan và Ngoại trưởng Vương Nghị đã thảo luận về "tình hình bi thảm" ở Myanmar và "báo động" về việc quân đội Myanmar tiếp tục sử dụng vũ lực gây chết người.
"Hai ngoại trưởng đã kêu gọi giảm leo thang tình hình, ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên", tuyên bố có đoạn. Ngoài ra, hai quan chức cấp cao cũng thảo luận về các vấn đề song phương, bao gồm đề xuất cùng công nhận "hộ chiếu y tế" của hai nước.
Hơn 500 người đã chết trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở Myanmar kể từ khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính chóng vánh hôm 1/2, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức của chính quyền dân chủ. Nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc nội chiến bùng phát khi những người dân hoảng loạn chạy trốn tới các nước có cùng biên giới với Myanmar như Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã họp khẩn về tình hình Myanmar hôm 31/3, trong khi Mỹ trước đó một ngày yêu cầu tất cả nhân viên sứ quán không thiết yếu và gia đình nhanh chóng rời Myanmar. ASEAN, diễn đàn đa quốc gia quan trọng của khu vực, giữ nguyên tắc "không can thiệp" và mọi quyết định của khối đều cần tất cả thành viên, gồm Myanmar, đồng thuận.
Nếu các nước thành viên tiến hành hội đàm "tiểu đa phương" mà không có chủ tịch ASEAN, hiện là Brunei, hoặc tất cả thành viên, điều này đi ngược lại nguyên tắc của khối. Do đó, giới quan sát nhận định đây có thể là yếu tố khiến ngoại trưởng bốn nước ASEAN hội đàm một - một với Ngoại trưởng Vương Nghị, thay vì hội đàm chung.
René Pattiradjawane, người chuyên nghiên cứu về quan hệ Indonesia - Trung Quốc tại viện nghiên cứu The Habibie Centre ở Jakarta, cho biết hiếm khi các cuộc họp được tiến hành riêng nếu tất cả lãnh đạo đều gặp nhau cùng một địa điểm.
Lưu ý các cuộc gặp với bốn nước ASEAN diễn ra ngay sau hội đàm căng thẳng Mỹ - Trung ở Alaska, Pattiradjawane nhận định đây có thể là cách mà Bắc Kinh sử dụng để "tạo quan hệ" tốt với ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và đối đầu Mỹ - Trung ngày càng tăng.
Ông thêm rằng bằng cách mời bốn ngoại trưởng ASEAN tới Phúc Kiến, Trung Quốc muốn thể hiện mong muốn xây dựng một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng mà không có sự can thiệp của các cường quốc trong khu vực. "Tìm ra giải pháp hòa bình trước khi tình hình ở Myanmar vượt tầm kiểm soát là một vấn đề cấp bách", ông nói.
Dylan Loh, phó giáo sư về chính sách công và vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng hội đàm một - một có thể bao gồm nhiều vấn đề khu vực và song phương, đồng thời cho thấy tham vọng "vận động ủng hộ quốc tế" của Bắc Kinh.
"Các cuộc họp có thể không nhất thiết diễn ra trong khuôn khổ sự kiện chính thức của ASEAN, nhưng Trung Quốc rõ ràng đang nghĩ tới ASEAN", ông nói, chỉ ra rằng cách tiếp cận của Bắc Kinh không chỉ gắn kết với cả khối mà còn với từng thành viên.
"Tôi cho rằng các chuyến thăm là tín hiệu ngoại giao quan trọng về cả đối nội và đối ngoại, bởi Trung Quốc muốn cho thấy họ có sự ủng hộ, quan hệ hữu nghị và hậu thuẫn của nhiều quốc gia. Đây là điều quan trọng khi Trung Quốc đang chịu áp lực ngoại giao ngày càng tăng từ phương Tây. Nó chắc chắn nhấn mạnh sức mạnh ngoại giao mà Trung Quốc có trong khu vực", ông nói thêm.
Trung Quốc đã nhấn mạnh bốn ngoại trưởng ASEAN đến theo lời mời của Ngoại trưởng Vương Nghị khi công khai thông tin trên mạng xã hội. Trong cuộc họp báo hôm 30/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố các nước Đông Nam Á là "láng giềng thân thiện" của Bắc Kinh.
"Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với các nước Đông Nam Á và xem họ là ưu tiên trong ngoại giao khu vực", bà nói. "Chuyến thăm của bốn ngoại trưởng một lần nữa cho thấy tình hữu nghị sâu sắc và mối quan hệ ngày càng phát triển thông qua tương tác chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Đông Nam Á".
Trong cuộc phỏng vấn với Xinhua trước thềm hội đàm, Ngoại trưởng Balakrishnan nói Singapore có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh tế "lưu thông kép" của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ông thêm rằng đảo quốc này cũng có thể là cơ sở cho công ty Trung Quốc muốn mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á, nhờ liên kết chặt chẽ về thương mại và hậu cần giữa hai nước.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 31/3 cho biết Ngoại trưởng Hishammuddin sẽ thảo luận nhiều sáng kiến song phương với ông Vương Nghị, tập trung vào chương trình nghị sự hậu đại dịch gồm khôi phục đi lại giữa hai nước và tăng cường hợp tác vaccine. Họ cũng sẽ thảo luận "hàng loạt vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả các cuộc gặp ở Phúc Kiến là nỗ lực để tăng cường quan hệ với những đối tác Đông Nam Á. Kênh CTGN nói Covid-19 và phục hồi kinh tế có thể được xem là những chủ đề chính, bên cạnh dự án Vành đai và Con đường, hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký tháng 11 năm ngoái.
"Khối thương mại tự do có thể mang tới nhiều cơ hội cho cả Trung Quốc và các nước láng giềng của họ sau khi ký kết RCEP", CTGN đưa tin.
Thanh Tâm (Theo SCMP)