Các quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi chặt chẽ kỳ họp "lưỡng hội" Trung Quốc để xem các mục tiêu kinh tế mà Bắc Kinh đưa ra, gồm chiến lược "lưu thông kép" tập trung vào tiêu dùng trong nước và tự phát triển để đảm bảo khả năng tự cường.
Được công bố từ tháng 5 năm ngoái, kế hoạch "tự cường" này của Trung Quốc nhấn mạnh vào thị trường trong nước, hay còn gọi là lưu thông nội địa, nhưng không hoàn toàn từ bỏ thị trường và công nghệ nước ngoài. Giới phân tích tin rằng ngay cả khi Trung Quốc "hướng nội" để đối phó với Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác khu vực.
Hao Zhou, nhà kinh tế học cấp cao về thị trường mới nổi ở Commerzbank, cho hay chiến lược lưu thông kép nghĩa là Trung Quốc xem trọng thị trường nội địa hơn, nhưng Bắc Kinh cũng phải đảm bảo một thị trường xuất khẩu lớn hơn cho các sản phẩm của họ.
"ASEAN là một phần của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và rõ ràng sẽ là thị trường quan trọng của Trung Quốc", Zhou nói về thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới giữa 15 quốc gia, chiếm khoảng 1/3 giá trị kinh tế toàn cầu.
Theo dữ liệu của Trung Quốc, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh vào khối này trong ba quý đầu năm ngoái đạt 10,72 tỷ USD, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Xinhua cho biết thương mại song phuong giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ 292,8 tỷ USD năm 2010 lên 641,5 tỷ USD năm 2019.
Trong phiên khai mạc kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, tức quốc hội Trung Quốc (NPC), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo thường niên và tuyên bố Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% trong năm nay, cho thấy quyết tâm giữ nền kinh tế thứ hai thế giới hoạt động mạnh mẽ.
Trong những ngày tới, NPC dự kiến thảo luận về báo báo của Thủ tướng Lý, trong đó phác thảo các định hướng chính sách, thông qua ngân sách năm 2021 và kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Đây sẽ là kế hoạch 5 năm đầu tiên dành một chương riêng về công nghiệp, coi khả năng tự cường về công nghệ là trụ cột chính trong phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Françoise Huang, nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Euler Hermes, công ty bảo hiểm tín dụng thương mại toàn cầu, cho biết vào cuối năm 2020, khoảng 15-20% xuất khẩu từ các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á là sang Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ không đóng thị trường nội địa với các nước láng giềng Đông Nam Á", Andrew Sheng, thành viên của Viện Toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hong Kong, nói.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định Trung Quốc cần giữ Đông Nam Á trong hệ sinh thái của họ khi thế giới đang chia rẽ về công nghệ, đề cập tới cạnh tranh Mỹ - Trung để trở thành siêu cường công nghệ thế giới.
Huang, nhà kinh tế học tại Euler Hermes, nói rằng các nước ASEAN cũng sẽ xem xét hợp tác với Bắc Kinh trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo công ty RWR Advisory Group ở Washington, trong 5 năm kể từ 2013, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện hoặc hoàn thành các dự án trị giá 200 tỷ USD ở Đông Nam Á. Nhiều dự án có thể được tiếp tục khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cập trong phiên khai mạc NPC rằng Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục sáng kiến này.
Tuy nhiên, Garcia-Herrer nhận định việc tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng mang tới rủi ro cho Đông Nam Á, đặc biệt khi Washington đang cố loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của họ trong lĩnh vực công nghệ cao như xe điện và chất bán dẫn.
"Đông Nam Á có nguy cơ bị mắc kẹt trong hệ sinh thái chuỗi giá trị của Trung Quốc", chuyên gia này nói.
Dane Chamorro, đối tác tại công ty tư vấn rủi ro Control Risks, cho rằng các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ gặp thách thức để quản lý mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Nhu cầu khổng lồ từ thị trường nội địa Trung Quốc, nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020, được xem như "phao cứu sinh" đối với nền kinh tế nhiều nước.
"Đây đang và sẽ tiếp tục là mối quan hệ phức tạp giữa ASEAN và Trung Quốc", Chamorro nói.
Khi Trung Quốc chú trọng hơn vào công nghệ và đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng quốc gia, các nền kinh tế Đông Nam Á nên xem xét cách nâng cấp mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng của họ, theo chuyên gia Sheng.
"Họ phải đào tạo lại lực lượng lao động, tiến lên nấc thang đổi mới và công nghệ. Họ có thêm một nhiệm vụ, bởi chuỗi cung ứng của họ phải đáp ứng được cả nhu cầu và tiêu chuẩn của Trung Quốc lẫn phương Tây", Sheng nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)