Ho gà xuất hiện rải rác ở trẻ nhỏ tại một số địa phương trong nửa đầu năm 2024. Hà Nội ghi nhận 18 trường hợp ho gà từ ngày 31/5 đến 6/6, tổng tích lũy từ đầu năm hơn 100 ca, tăng so với cùng kỳ 2023. Thái Bình có ba ca mắc ho gà từ đầu năm đến nay, trong đó một bệnh nhi 55 ngày tuổi. Hà Tĩnh 5 tháng đầu năm điều trị cho 11 bệnh nhi. TP HCM ghi nhận 30 ca bệnh.
Một số quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng tương tự. Tại Anh, bốn tháng đầu năm có gần 4.800 ca mắc ho gà được xác nhận, trong đó 8 ca tử vong là trẻ sơ sinh, hơn 340 ca dưới 1 tuổi. Hàn Quốc có hơn 1.300 người bệnh ho gà tháng 1-5, con số cao nhất trong 20 năm qua.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trẻ em dễ bị bệnh ho gà tấn công, đặc biệt nhóm dưới một tuổi. Lý do, trẻ có sự khác biệt về hệ miễn dịch so với người lớn, dễ bị nhiễm trùng và biểu hiện nặng, nguy cơ tử vong cao hơn. Ở nhóm chưa đủ tuổi tiêm chủng (dưới hai tháng), em bé phụ thuộc vào kháng thể từ mẹ. Nếu mẹ không tiêm vaccine lúc mang thai, em bé sẽ không có miễn dịch với bệnh, dễ bị vi khuẩn xâm nhập hơn.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Viện Y học Nhiệt đới, Đại học São Paulo (Brazil) và các cộng sự năm 2019, đăng tải tại PubMed, trẻ em chưa có khả năng loại bỏ mầm bệnh, dễ mắc ho gà. Mầm bệnh nhiễm vào trẻ, tự sản xuất độc tố để phá vỡ các rào cản tự nhiên như lông mao và chất nhầy ở đường hô hấp. Vượt qua hàng rào miễn dịch bẩm sinh, chúng đi sâu vào cơ thể, tiếp tục sử dụng độc tố để chống lại phản ứng viêm, sống sót trước đòn tấn công của bạch cầu.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, trẻ nhỏ có thể bổ sung miễn dịch bằng cách tiêm chủng khi đủ tuổi. Ngoài ra cần chủng ngừa cho mẹ bầu để tận dụng cơ chế truyền kháng thể qua nhau thai.
Nhiều năm công tác tại VNVC, bác sĩ Chính ghi nhận nhiều phụ nữ chưa quan tâm tiêm vaccine nói chung, trong đó có ho gà. Họ nói ít thấy ho gà xuất hiện trong cộng đồng nên tin rằng em bé sinh ra khỏe mạnh dù không tiêm chủng hoặc lo ngại vaccine không an toàn, tốn kém, không hiệu quả.
Điều này có thể tác động xấu đến trẻ nhỏ vì ho gà dễ gây biến chứng viêm phổi, tăng tỷ lệ tử vong. Để lý giải, bà dẫn nghiên cứu đăng tải tháng 2/2021 trên tạp chí BMC Pediatrics, phân tích đặc điểm lâm sàng của bệnh ho gà nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thực hiện trên 184 trẻ em điều trị tại Bệnh viện Ditan Bắc Kinh từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2017. Trong nghiên cứu này, không có trẻ bệnh nặng nào được tiêm phòng. Kết quả, hơn 80% bệnh nhi ho gà bị biến chứng viêm phổi từ mức độ trung bình trở xuống, gần 12% mắc viêm phổi nặng. Nhóm bệnh nhi nặng có bạch cầu tăng rất cao, làm tắc nghẽn mao mạch phế nang, gây thiếu oxy máu và tăng áp phổi. Việc này ảnh hưởng chức năng tim và dẫn đến suy tim.
Do đó, bác sĩ Chính nhấn mạnh biện pháp tiêm chủng cho trẻ và thai phụ để phòng ho gà. Phụ nữ nên tiêm một mũi phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván, vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ.
"Trẻ sinh ra từ người mẹ được tiêm phòng giúp giảm 91% nguy cơ mắc ho gà trong những tháng đầu đời so với trẻ có mẹ không chủng ngừa", bác sĩ Chính nêu. Mặt khác, mẹ được tiêm vaccine cũng giúp phòng bệnh, tránh lây cho con.
Trẻ nhỏ cần tiêm vaccine ho gà đầy đủ ngay khi đến lịch, ví dụ mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 tiêm cho trẻ từ hai tháng tuổi (có thể tiêm sớm từ 6 tuần). Loại 5 trong 1 và 6 trong 1 đều giúp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib. 5 trong 1 có thêm viêm gan B hoặc bại liệt tùy loại, còn 6 trong 1 thêm viêm gan B và bại liệt.
Phụ huynh cần cho trẻ tiêm đủ phác đồ ba mũi vào các mốc 2, 3, 4 tháng và nhắc lại vào 16-18 tháng. Toàn bộ lịch tiêm cần hoàn thành trước hai tuổi, tiếp tục nhắc lại định kỳ khi 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Ngoài trẻ em và thai phụ, các thành viên trong gia đình nên rà soát để tiêm chủng đầy đủ, tránh lây bệnh. Người lớn cần tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần.
Mộc Thảo
Ngoài ra, VNVC có nhiều chương trình ưu đãi, ví dụ "tiêm vaccine trước, trả chi phí sau" không lãi suất, chia nhỏ thanh toán nhiều lần giúp người dân tiếp cận đầy đủ hơn với vaccine chất lượng cao.