Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn, Cố vấn chuyên môn BVĐK Tâm Anh, cho biết, bản chất của việc tiêm vaccine Covid-19 là đưa các thành phần cấu tạo đặc trưng của SARS-CoV-2 vào trong cơ thể để hệ thống miễn dịch sinh ra các kháng thể chống lại các kháng nguyên là SARS-CoV-2, từ đó giúp chống lại sự lây lan và tiến triển nặng của bệnh Covid-19. Vì vậy, việc sử dụng vaccine Covid-19 chính là cách thức buộc cơ thể người được tiêm tự tạo ra kháng thể chống lại Covid-19. Đây được gọi là phương thức gây đáp ứng miễn dịch chủ động và người được tiêm vaccine Covid-19 phải có hệ miễn dịch khỏe mạnh mới đủ khả năng sinh ra kháng thể chống lại Covid-19.
Phần lớn người có sức khỏe bình thường đều đáp ứng tốt với vaccine Covid-19 và có đủ kháng thể để bảo vệ bản thân trước SARS-CoV-2, giảm nguy cơ trở nặng, nguy cơ nhập viện, hay xảy ra bão cytokine và tử vong, nhất là người có bệnh nền trên 60 tuổi.
Tuy nhiên, trong cộng đồng có một nhóm những người không thể tiêm vaccine Covid-19, người có hệ miễn dịch đang bị suy giảm do bệnh lý (như HIV) hoặc do thuốc điều trị gây ức chế hệ miễn dịch (ung thư đang thực hiện hóa trị, xạ trị) hoặc người đã được ghép tạng như ghép thận, ghép gan... hàng ngày phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Khi được tiêm vaccine Covid-19, hệ miễn dịch của nhóm người này không đủ khả năng sinh ra kháng thể chống lại Covid-19 và nếu mắc bệnh dễ có nguy cơ tiến triển nặng hoặc tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm dễ tổn thương trước Covid-19 do suy giảm miễn dịch vừa và nặng, dù đã tiêm đủ liều vaccine.
Để bảo vệ nhóm người yếu thế này trước Covid-19, AstraZeneca đã tạo ra thuốc kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 hiệu quả và nhanh chóng sau vài giờ tiêm.
Trải qua quá trình sàng lọc từ hơn 1.500 kháng thể từ người khỏi bệnh Covid-19 trên khắp thế giới, các nhà khoa học đã chọn ra 2 kháng thể đơn dòng tixagevimab (AZD8895) và cilgavimab (AZD1061) có hoạt lực mạnh nhất và có khả năng hiệp đồng để giúp nhóm người bị suy giảm miễn dịch, không đáp ứng tốt với vaccine chống lại Covid-19.
Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn cho biết, đây là phương pháp gây đáp ứng miễn dịch thụ động, có nghĩa là cơ thể không có khả năng sinh ra đủ kháng thể chống lại Covid-19 khi được tiêm vaccine Covid-19 mà phải nhận kháng thể đơn dòng từ bên ngoài đưa vào. Điều này giống như mặc cho người suy giảm miễn dịch thêm "áo giáp" trước khi xung trận. Khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, các kháng thể đơn dòng này sẽ ngay lập tức vô hiệu hóa tác nhân gây bệnh, giúp họ tránh nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ tiến triển nặng hoặc tử vong khi nhiễm Covid-19.
Theo Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn, hình thức đưa kháng thể đơn dòng từ bên ngoài vào bảo vệ cơ thể tức thì là hình thức thay thế cho tiêm vaccine trong trường hợp cần thiết.
"Tình trạng suy giảm miễn dịch ở những người bệnh này cũng có thể hình dung như trường hợp trẻ sơ sinh. Lúc chào đời thì hệ miễn dịch của trẻ chưa đủ khả năng tự bảo vệ trước các mầm bệnh từ bên ngoài, đồng thời chưa được tiêm vaccine nên khi đó sữa mẹ sẽ giúp cung cấp kháng thể cho cơ thể trẻ", bác sĩ Hoàn giải thích.
Ai cần được tiêm kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19?
Ngày 8/12/2021, kháng thể đơn dòng của AstraZeneca trở thành kháng thể dự phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới chính thức được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm SARS-CoV-2. Loại kháng thể đơn dòng này không thay thế vaccine cho cộng đồng nhưng tạo thêm lá chắn mới cho "người bệnh yếu thế".
Mỹ là nước tiên phong trên thế giới đặt mua 1,7 triệu liều kháng thể đơn dòng của AstraZeneca. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số khá khiêm tốn bởi nhóm người suy giảm miễn dịch ở quốc gia này lên tới 7 triệu người.
Myron J. Levin - Giáo sư Nhi khoa và Y khoa, Trường Y của Đại học Colorado, Mỹ và là một trong những chủ nhiệm chính của thử nghiệm PROVENT về kháng thể đơn dòng của AstraZeneca, cho biết: "Hàng triệu người ở Mỹ và trên toàn thế giới vẫn đứng trước nguy cơ nghiêm trọng từ Covid-19 bởi hệ miễn dịch của họ không tạo ra đủ đáp ứng miễn dịch, ngay cả sau khi được tiêm tất cả các liều vaccine Covid-19 được khuyến cáo. Kháng thể đơn dòng của AstraZeneca là một lựa chọn mới, dễ dàng sử dụng và cung cấp sự bảo vệ lâu dài cần thiết, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường hàng ngày".
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ hai đặt mua thành công kháng thể đơn dòng của AstraZeneca sau Singapore. Vì đây không phải vaccine Covid-19 cho cộng đồng nên đối tượng ưu tiên tiêm ngừa cần được bác sĩ lựa chọn, chỉ định phù hợp.
Kháng thể đơn dòng của AstraZeneca chỉ được tiêm ngừa Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên và cân nặng ít nhất 40 kg, đang không nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 ở thời điểm tiêm. Đồng thời, người muốn tiêm phải có các yếu tố nguy cơ đi kèm sau:
Suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng từ nhiều nhóm bệnh:
- Do bệnh lý (hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich, viêm khớp tự miễn, HIV...)
- Hoặc sử dụng thuốc (corticosteroid liều cao, thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến cấy ghép, tác nhân alkyl hóa, chất chống chuyển hóa, tác nhân hóa trị ung thư được phân loại là ức chế miễn dịch mức độ nặng... và các tác nhân sinh học khác như tác nhân ức chế tế bào B.
- Hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch (ung thư, bệnh máu ác tính, ghép gan, ghép thận, ghép tim...) và có khả năng không tạo được miễn dịch dù đã tiêm vaccine Covid-19.
Không thể tiêm được vaccine Covid-19, có thể do từng xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng như: dị ứng nặng với vaccine và/hoặc bất kỳ thành phần nào của vaccine Covid-19.
Kháng thể đơn dòng của AstraZeneca được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thế giới đẩy lùi Covid-19, giúp người bệnh yếu thế lấp được khoảng trống lo sợ hiệu quả của vaccine bị suy giảm.
Anh Ngọc