Virus hợp bào hô hấp (RSV) là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và nhiễm trùng đường hô hấp ở mọi nhóm tuổi. Tại Mỹ, mỗi năm ghi nhận hơn 60.000 ca nhập viện do RSV ở nhóm từ 65 tuổi, trong đó hơn 6.000 ca tử vong. Trung bình, cứ 50 em bé sơ sinh có một phải nhập viện dù khỏe mạnh, sinh đủ tháng.
Năm 1956, virus RSV được nuôi cấy thành công, tạo tiền đề phát triển mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên vào những năm 1960. Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, vaccine mới được hoàn thiện. Hai loại được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để chủng ngừa cho người già và phụ nữ mang thai.
Vaccine ngừa RSV có thời gian nghiên cứu hơn sáu thập kỷ, gấp đôi loại ngừa sốt rét, do không đảm bảo an toàn khi dùng trên 31 em bé sơ sinh. 14 em bé đã nhập viện, hai tử vong, hai mắc bệnh nhẹ. Cuộc thử nghiệm bị dừng lại trong thời gian dài.

Em bé sơ sinh mắc RSV điều trị tại bệnh viện ở Đức. Ảnh: Reuters
Các nhà khoa học nhanh chóng phát hiện sai lầm. Vaccine không thể ngăn chặn quá trình RSV nhân lên trong cơ thể do can thiệp quá trễ, sau khi protein của virus đã tương tác với tế bào để sinh sôi. Do đó, mũi tiêm được thay đổi, cấu trúc lại và chuyển thí nghiệm trên người lớn từng mắc bệnh. Tuy nhiên, vaccine vẫn không hiệu quả.
20 năm sau, nghiên cứu mới có đột phá. Barney Graham, chuyên gia miễn dịch học và virus học, khi đó làm việc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, phân lập thành công một loại protein mới của RSV có khả năng kích thích miễn dịch mạnh. Ông phối hợp với một số nhà khoa học khác để tạo ra vaccine khác và thuyết phục công ty Pfizer đầu tư. Trong lúc đó, công ty GSK tìm phương án kiểm soát cách vaccine kích hoạt miễn dịch.
Một vài nghiên cứu trong năm 2019 và 2021 cho thấy vaccine đã an toàn, hiệu quả hơn. Những người lớn thử nghiệm không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng, tất cả liều tiêm giúp tăng sinh kháng thể trong vòng 10 tháng.

Lọ vaccine RSV của công ty Pfizer. Ảnh: AP
Tuy nhiên, vaccine RSV tiếp tục bị trì hoãn do đại dịch bùng phát. Thành quả của Graham được Moderna, Pfizer áp dụng trong thiết kế mũi tiêm ngừa Covid. Khi vaccine Covid thành công, các nhà khoa học mới chuyển hướng vào các loại khác.
Hiện, vaccine của GSK dành cho người già, trong đó tăng chất bổ trợ, làm cho mũi tiêm trở nên hấp dẫn hơn đối với hệ thống miễn dịch. Dữ liệu do FDA công bố tháng 5/2023, cho thấy vaccine giảm 82,6% bệnh đường hô hấp dưới liên quan tới RSV và 94,1% nguy cơ bệnh trở nặng.
Vaccine của Pfizer cũng dành cho người cao tuổi, có hiệu quả khoảng 67% giảm bệnh do RSV có hai triệu chứng nhiễm trùng; hiệu quả 85,7% trong việc giảm ca bệnh nặng, có tối thiểu ba triệu chứng. Công ty ước tính nếu 50% người từ 60 tuổi trở lên chủng ngừa, có thể giảm hơn 5.000 ca tử vong, 68.000 ca nhập viện, 51.000 ca cấp cứu và hơn 422.000 ca ngoại trú.
Các công ty tiếp tục phát triển mũi tiêm dành cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Quá trình có thể kéo dài do bài học từ năm 1960 vẫn còn giá trị. Bên cạnh đó, vaccine cũng gặp nhiều thách thức do khiến cơ thể em bé tạo ra nhiều kháng thể liên kết với protein của virus nhưng không vô hiệu hóa mầm bệnh; tế bào miễn dịch làm tăng nguy cơ viêm dị ứng. Một số bằng chứng thử nghiệm cho thấy trẻ nhỏ tiêm vaccine có thể chịu tình trạng co thắt phế quản nhiều hơn, phổi có nhiều chất nhầy, tăng sinh bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính, gây tắc nghẽn đường thở, không đào thải RSV.
Chi Lê (Theo Medscape, Time, The Scientist)